Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam có thời điểm thu hút tới hơn 1,2 triệu người tham gia. Hiện nay dù đã giảm nhiều nhưng vẫn đang có khoảng nửa triệu người trong các mạng lưới đa cấp. Điều đáng lo ngại là ngày càng xuất hiện nhiều hình thức biến tướng, lừa đảo gây thiệt hại về kinh tế và bức xúc trong dư luận.
Trong khi đó, khung khổ pháp lý còn những kẽ hở, khoảng trống dễ bị lợi dụng trục lợi khiến cho việc đấu tranh xử lý thêm khó khăn. Thực thực trạng này đòi hỏi phải có những sửa đổi hoàn thiện văn bản pháp luật để làm cơ sở ngăn chặn những biến tướng tinh vi của hoạt động kinh doanh đa cấp.
Hoạt động bán hàng đa cấp bộc lộ không ít bất cập và sai phạm. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Phan Lợi, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, rà soát tại địa phương có tới 712 người kinh doanh mạng lưới này, song chỉ có 252 người có hợp đồng thẻ thành viên và chứng chỉ đào tạo.
Theo ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế, con số doanh thu 4.000 tỷ đồng mới chỉ là bề nổi, còn doanh thu từ biến tướng đa cấp thì chưa thống kê được. Trong khi đó, nhiều gia đình đã nghèo, lại thêm khánh kiệt vì đa cấp.
“Những người tham gia chủ yếu là sinh viên, nội trợ, hưu trí, nghe lời rủ rê, lôi kéo tham gia vào mạng lưới đa cấp, bỏ khoản tiền lớn ra nhưng không nhận được hóa đơn, thậm chí không có hàng hóa gì. Tìm thương nhân, đối tượng kinh doanh đa cấp ra sao khi mà trụ sở các công ty này nằm ở TP HCM còn ở Huế chỉ là tổ chức hội thảo. Khi xảy ra sự cố, công an vào cuộc nhưng khó thu được bằng chứng, người thiệt hại cả mấy chục tỷ đồng cũng không tố cáo, mà tiếp tục vận động người thân tham gia để bù lại”, ông Thanh cho biết.
Điều đáng lo ngại là gần đây, nhiều cá nhân/tổ chức đã chuyển sang các hình thức biến tướng của đa cấp để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn...Tất cả đều có điểm chung là sử dụng mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Kiểu kinh doanh này là kinh doanh trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm. Tuy nhiên, hàng nghìn người vẫn “sập bẫy” những mô hình đa cấp biến tướng này.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chỉ ra thực tế: “Xử lý vi phạm thì rất khó. Các nhà phân phối dùng chiêu bài nói khéo, đến tận gia đình, ở các vùng sâu vùng xa, lén lút qua mặt Sở Công Thương để hoạt động. Ngoài ra là các hoạt đa cấp bất chính như huy động giao dịch tiền ảo, huy động tài chính trong dân đặc biệt là những vùng dân nghèo, thực chất là lấy tiền người sau trả cho người trước, diễn biến rất phức tạp.”
Quản lý các hoạt động kinh doanh đa cấp chủ yếu dựa vào Nghị định 42/2014 về kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên sau hơn 2 năm triển khai, đã bộc lộ nhiều bất cập. Văn bản pháp luật không điều chỉnh kịp với thực tế, thậm chí còn không quy rõ những hành vi vi phạm. Cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì đã quá muộn, thiệt hại đã rất nặng nề. Như vụ Liên Kết Việt, khi bị điều tra, công ty này đã lừa đảo 60.000 người, với khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trước những biến tướng tinh vi và phức tạp của hoạt động kinh doanh đa cấp, Bộ Công Thương cho biết, đang rà soát những quy định còn bất cập để sửa đổi Nghị định 42 theo hướng siết chặt hơn nữa loại hình kinh doanh này để trình Chính phủ vào tháng 11 tới.
Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Công Thương), Nghị định mới, thay thế Nghị định 42 sẽ có nhiều điểm mới đáng chú ý, nhằm đưa hoạt động này vào khuôn khổ, ngăn chặn biến tướng hoặc tiêu cực trong hoạt động đa cấp.
“Việc ký quỹ tối thiểu phải từ 10 – 20 tỷ đồng, nhưng dựa trên doanh số hàng năm. Nhưng có biến động, doanh thu càng cao, hệ thống càng lớn thì càng phải ký quỹ nhiều, để giải quyết vấn đề rủi ro trong trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia. Ký quỹ dựa trên doanh số, nên sẽ có cơ sở kiểm tra định kỳ hàng năm. Ngoài ra tiến hành hậu kiểm trên cơ sở doanh nghiệp tự khai báo; yêu cầu thành lập chi nhánh ở địa phương phải thông báo với cơ quan chức năng; phân định rõ hành vi vi phạm; quy định chi tiết về hợp đồng”, ông Tân cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện nay các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 chưa đủ sức răn đe. Do vậy, Nghị định sửa đổi đang được các đơn vị chức năng Bộ Công Thương soạn thảo theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt, hạn chế cấp phép đối với các hoạt động bán hàng đa cấp; có những điều kiện ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo hướng bảo vệ đại đa số những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
"Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Nghị định 42, sớm trình Chính phủ để xin ý kiến, từ đó hoàn thiện khung khổ pháp lý. Chúng ta phải tính đến sửa những nội dung cơ bản của Nghị định 42/CP. Những bất cập lớn trong kinh doanh đa cấp phải sửa ngay. Đối với những công ty đa cấp đang trong diện kiểm tra, nếu có vi phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị xử lý ở mức cao nhất, nhằm tạo tính răn đe, ngăn chặn các biến tướng, lừa đảo tương tự”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng không những tác động xấu mà còn nguy hiểm cho xã hội, nhưng quản lý hoạt động này không phải dễ, khi mà lợi nhuận thu về lớn, đến mức nhiều doanh nghiệp bị xử lý vi phạm thậm chí còn đe dọa hoặc mua chuộc lãnh đạo cơ quan chức năng để được tiếp tục hoạt động.
Kinh doanh đa cấp đã có từ lâu trên thế giới và Việt Nam cũng không thể cấm được hoạt động này. Những quy định mới trong hoạt động kinh doanh đa cấp vẫn đang được cơ quan chức năng cân nhắc, nghiên cứu, nhưng rõ ràng, đây cũng là một động thái cho thấy nỗ lực lập siết chặt hoạt động kinh doanh đa cấp, để không còn những “Liên kết Việt” thứ hai./.