Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 2.000 công trình thuỷ lợi với diện tích lên đến hàng chục nghìn ha. Việc sử dụng, khai thác các công trình cho nuôi trồng thuỷ sản và các sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi khác đang bị vướng khi áp dụng các điều khoản của Luật Thuỷ lợi 2017, Nghị định 67 và Nghị định 96 năm 2018. Hàng nghìn ha mặt nước bị lãng phí khi không thể hợp đồng cho người dân thuê nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Trọng Nhi - quản lý hồ thuỷ lợi Vạn Xuân có diện tích khoảng 5ha ở khối 9, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đến nay đã 20 năm. Ông mưu sinh chủ yếu dựa vào nuôi cá tại đây. Nhưng từ năm 2018 đến nay, công ty thuỷ lợi Đắk Nông thông báo không thể ký hợp đồng cho thuê mặt nước vì vướng các quy định của Luật Thuỷ lợi, việc đầu tư của ông Nhi bị gián đoạn.
Việc quản lý, sử dụng hồ cũng bắt đầu phát sinh các tranh chấp, nhiều người vào đánh bắt cá nhưng ông không thể ngăn cản vì thiếu căn cứ pháp lý. Sự việc kéo dài đến nay đã 4 năm, ông Nhi đề nghị nhà nước sớm có phương án giải quyết những vướng mắc để ông có thể yên tâm đầu tư.
“Cá nhân đã có đề xuất từ lâu nhưng vướng mắc Luật. Công ty ký hợp đồng tôi mới dám đầu tư còn không chỉ chủ yếu trông đập, quản lý đập thuỷ lợi. Khi không ký kết hợp đồng được sẽ dễ nảy sinh tranh chấp, phải khi có rõ ràng về pháp lý các cá nhân mới dám đầu tư lớn”, ông Nhi bộc bạch.
Ông Bùi Phong Danh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Đắk Nông, Chi nhánh huyện Đắk Mil cho biết, toàn huyện có 43 công trình hồ chứa với dung tích khoảng 22 triệu mét khối, diện tích mặt nước hơn 300ha. Tất cả các hồ chứa hiện đều không thể ký hợp đồng cho thuê mặt nước với người dân vì vướng Luật Thuỷ lợi 2017 và Nghị định 67 năm 2018.
Theo ông Danh, vướng mắc ở đây là quy định về quyền sử dụng đất trong hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt phương án kinh doanh. Trong khi tất cả các hồ chứa hiện nay đều chưa cấp quyền sử dụng đất cho Công ty chủ quản.
“Năm 2017 tỉnh có một đơn giá quy định cho thuê mặt nước là 250 đồng/m2/năm. Địa phương cũng có rất nhiều người muốn thuê nhưng vướng quy định của Luật Thuỷ lợi, Nghị định 67 bắt buộc nuôi trồng thuỷ sản phải được cấp phép. Muốn cấp phép phải có hồ sơ đất, nhưng hồ sơ đất tỉnh chưa giao cho công ty nên công ty không có quyền”, ông Danh cho hay.
Ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Đắk Nông cho biết, tất cả 250 công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh đều chưa được cấp quyền sử dụng đất. Sự lãng phí diện tích mặt nước trên địa bàn là rất lớn nhưng công ty không thể làm khác vì cho thuê là trái quy định. Những vướng mắc, sự lãng phí này có thể sẽ còn kéo dài vì quá trình cấp quyền sử dụng đất cho các công trình thuỷ lợi, hồ chứa một phần là rất phức tạp, một phần là do thiếu kinh phí. Suốt từ 2018 đến nay, công ty mới chỉ bỏ kinh phí để tiến hành đo đạc, cắm mốc hành lang an toàn cho khoảng 10 công trình chuẩn bị cấp quyền sử dụng đất, chiếm tỷ lệ chưa đầy 5%.
“Để một công trình được cấp quyền giao đất, cắm mốc phải bắt đầu từ đề cương đến xin chủ trương, xin kinh phí. Trong khi hệ thống sổ bạ ngày xưa giải toả đền bù không bài bản như bây giờ. Ngày xưa chủ yếu có công trình đến họp dân chủ yếu người dân hiến đất, có nhiều hộ chưa được điều chỉnh diện tích đất. Cái này thì không đổ lỗi cho ai được vì từ ngày xưa đến giờ vẫn tồn lại”, ông Thuận giải thích.
Tương tự như tỉnh Đắk Nông, tại các tỉnh khác ở Tây Nguyên hầu hết các hồ thuỷ lợi đều trong tình trạng chưa được cấp quyền sử dụng đất. Đây là vướng mắc lớn nhất trong việc khai thác các sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi. Tại một số địa phương đã có cơ chế để tạm thời tháo gỡ vấn đề quyền sử dụng đất, tuy nhiên vướng mắc tiếp theo các địa phương gặp phải là vấn đề giá.
Ông Nguyễn Công Hạnh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương để công ty tạm thời được hợp đồng cho thuê khi chưa được cấp quyền sử dụng đất. Nhưng theo Nghị định 96 năm 2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi thì cần phải thông qua các bộ ngành liên quan phê duyệt.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã trình 2 năm nay nhưng vẫn chưa được thông qua. Các hợp đồng cho thuê mặt nước tại 246 hồ chứa với khoảng 2.000ha công ty quản lý vẫn không thể thực hiện được, thiệt hại đối với ngân sách và với nghề nuôi trồng thuỷ sản có thể lên đến cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
“Công ty đã xây dựng phương án giá gửi UBND tỉnh và tỉnh đã có văn bản trình Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Đó là khó khăn lớn nhất để thực hiện, vì khi không có phương án giá thì không ký được hợp đồng gây tổn thất về mặt kinh tế. Hơn nữa, khi không được cấp phép sẽ xảy ra tình trạng người dân tranh chấp nhau, gây mất an ninh trật tự”, ông Hạnh nêu thực tế.
Tây Nguyên có hơn 2.000 công trình thuỷ lợi, diện tích mặt nước hàng chục nghìn ha, sự lãng phí có thể đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vì vướng mắc do áp dụng các quy định của Luật Thuỷ lợi và các Nghị định vào thực tiễn. Để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, tạo điều kiện khai thác, phát huy hiệu quả diện tích mặt nước cho nghề nuôi trồng thuỷ sản nói riêng, các sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi khác nói chung, cần thiết phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương./.