Việc chuyển đổi này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu trên mảnh đất của mình.
Với hơn 3 ha đất canh tác, gia đình ông Nguyễn Hữu Huynh, khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn mỗi năm chỉ trồng lúa vụ Đông Xuân, còn các vụ khác gia đình thả cá kết hợp nuôi vịt. Hiệu quả từ mô hình này đã giúp gia đình ông mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ngoài ra, để có thêm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, ông trồng thêm một số loại cây ăn trái ngắn ngày như: Chuối và đu đủ. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mà gia đình ông đã vươn lên làm giàu.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn làm giàu trên mảnh đất của mình.(Ảnh minh họa) |
"Hiện tại, tôi làm một vụ lúa Đông Xuân, mấy vụ sau không làm lúa mà thả cá nuôi vịt. Hiệu quả kinh tế thấy lãi nhiều hơn so với làm lúa, cá thì 1ha thu hoạch trên dưới 1 tấn cá nhưng không tốn tiền thức ăn. Từ 3 ha tôi thu hoạch trên dưới 300 triệu đồng".
Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua tại Cần Thơ, các loại rau màu như dưa hấu, bắp, cây mè và một số loại cây trồng khác được nhiều nông dân lựa chọn. Việc chuyển đổi này bước đầu mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững; nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu.
Để thực hiện quá trình chuyển đổi, Cần Thơ đã hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; Global GAP và hỗ trợ các giống rau màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế. Ngoài ra, còn phát triển các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức hội thảo, tập huấn để người dân nắm bắt những thông tin mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cần Thơ cho hay: "Chúng tôi, tăng đầu tư cho khoa học và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn, để tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển nông nghiệp. Tạo ra các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, thực hiện liên kết theo chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững".
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn làm giàu trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này thực sự mang lại hiệu quả bền vững, chính quyền và ngành nông nghiệp cần quan tâm đến phương thức sản xuất và chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng.
Trong đó, cần liên kết giữa người dân với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm; tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào khâu sản xuất và chế biến; đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu./.
Cần Thơ xúc tiến đối tác Mỹ đầu tư công nghệ và thương mại