Kết quả kiểm toán tài chính năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố sáng 18/7.

Theo đó, về hoạt động tín dụng, năm 2010 NHNN đã triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng nhằm phục vụ nông nghiệp, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

laisuatngana.jpg

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 31,19%, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết Chính phủ 6,19%, gây áp lực, khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát (ví dụ, Vietinbank có tốc độ tăng trưởng tín dụng 43,5%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung), trong đó tăng trưởng tín dụng cao ở lĩnh vực chứng khoán (40,93%) và bất động sản (28,11%);

Đồng thời, năm 2010, tỷ lệ nợ xấu tăng so với năm 2009 (2,05%) và chiếm 2,19% tổng dư nợ (trong đó, của Vietcombank là 2,91%; của Vietinbank là 1,27%; của VDB là 12,45%; NHCSXH là 1,25%); việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ không thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát (lạm phát năm 2010 là 11,5%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội đề ra 8%);

Đặc biệt, NHNN áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn nhiều lãi suất huy động trên thị trường đã tạo điều kiện cho một số tổ chức tín dụng lợi dụng như một nguồn vốn giá rẻ ưu đãi, không cơ cấu lại các khoản đầu tư để trả nợ đúng hạn, làm gia tăng dư nợ vay tái cấp vốn của các ngân hàng thương mại, nhiều khoản vay tái cấp vốn năm 2010 phải gia hạn (tổng số nợ gia hạn năm 2010 là 68.250 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh số cho vay);

Và, việc gia hạn nợ không đúng quy định, có khoản vay thời hạn 90 ngày được gia hạn đến lần thứ 4, làm thời gian vay kéo dài 389 ngày (theo quy định thời gian cho vay không quá 01 năm và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian cho vay lần đầu).

Đáng chú ý là Ngân hàng Vietinbank gia tăng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, vay NHNN và huy động khác (năm 2010, tổng nguồn vốn huy động trên thị trường 2 và huy động khác là 133.781 tỷ đồng, tăng 61.940 tỷ đồng so với năm 2009, tương đương tăng 86,2%, và chiếm 39,38% tổng nguồn vốn huy động của Vietinbank) làm ảnh hưởng đến tính ổn định và công tác cân đối vốn hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý cũng chỉ rõ: Về cơ bản các ngân hàng tổng hợp và tính cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý theo quy định.

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã thực hiện huy động vốn vượt kế hoạch 3.872 tỷ đồng, dẫn đến đọng vốn và tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN; xu hướng cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý ngày càng gia tăng (năm 2008, VDB cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý là 1.535 tỷ đồng, năm 2009 là 1.731 tỷ đồng và năm 2010 là 2.240 tỷ đồng), tỷ lệ phí quản lý được NSNN cấp bằng 25% số thực thu lãi cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu Nhà nước là quá cao (năm 2010, VDB được NSNN cấp phí quản lý 1.353 tỷ đồng, thực tế sử dụng vào chi phí quản lý là 639 tỷ đồng (bằng 47% số được cấp)./.