Phát biểu tại "Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM" hôm qua, 5/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu lạm phát xuống dưới 7% trong năm nay, trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất cả huy động và cho vay có thể giảm tiếp. Mục tiêu đặt ra là đưa vốn ngắn hạn dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên về khoảng 7%/năm, vốn trung, dài hạn sẽ trên 10%/năm.Do hiện tại 80% vốn của các ngân hàng là huy động ngắn hạn, và chỉ 30% vốn ngắn hạn được phép cho vay trung dài hạn nên dư địa dành cho lĩnh vực này chưa lớn.Tuy vậy, để vốn đến với doanh nghiệp, ông Bình cho rằng nhiệm vụ của chính sách tiền tệ vẫn chỉ là một vế, vế còn lại chính là chính sách tài khóa. Để tăng tổng cầu của nền kinh tế, miễn giảm, giãn thuế là rất quan trọng, giúp được nhiều cho doanh nghiệp.Hiện tại NHNN cũng tham gia ý kiến với Bộ Tài chính theo hướng giảm thuế trong giai đoạn này cho phù hợp, thậm chí đề nghị mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới 20% cho tất cả doanh nghiệp, đồng thời cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng để doanh nghiệp vượt khó.“Nhưng doanh nghiệp cũng phải tự giúp mình, bằng cách không tăng giá bất hợp lý, vì lợi ích trước mắt mà quên đi lâu dài. Nếu giá ổn định thì mới mong lạm phát không tăng cao, như vậy, lãi suất cũng mới có cơ sở để giảm”, ông Bình nói.Một số doanh nghiệp có mặt tại hội nghị như thủy sản Hùng Vương, Thép Việt… kêu gọi NHNN giảm lãi suất thêm nữa, tăng cho vay trung dài hạn, đồng thời ngân hàng nên cho vay tín chấp, hoặc bớt khắt khe trong việc xem xét hồ sơ cho vay đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp dễ hơn trong tiếp cận vốn.Ông Bình cho rằng, thực tế các khoản vay mà các doanh nghiệp trên được tiếp cận đều với lãi suất ưu đãi, còn việc vay trung dài hạn để sản xuất kinh doanh thì lãi suất sẽ tiếp tục giảm nên doanh nghiệp phải chờ thêm, vì nguồn vốn dành cho loại tín dụng này không nhiều tại các ngân hàng.
Lãi suất cho vay sẽ giảm còn khoảng 7%
Theo TBKTSG