Dự thảo Nghị định mới nhất nhằm thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định của Dự thảo, nếu giá cơ sở tăng đến 3%, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyền tự quyết định việc điều chỉnh giá. Đây là vấn đề đang thu hút những ý kiến trái chiều từ phía các nhà kinh tế và giới doanh nghiệp.
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Nghị định lần này để thay thế Nghị định 84 của Chính phủ là biên độ điều chỉnh giá xăng dầu. Theo Dự thảo Nghị định mới, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ được quyền tăng giá trong phạm vi 3%, khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở (gồm giá thế giới cộng thuế, phí, quỹ bình ổn...) tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành (dự thảo trước đó là 2%). Nếu giá cơ sở tăng từ trên 3% - 7%, doanh nghiệp phải gửi văn bản kê khai giá đến liên bộ Tài chính - Công Thương 2 ngày trước khi tăng giá.
Nếu không nhận được trả lời của liên bộ, doanh nghiệp được quyền quyết định việc tăng giá đến 3%. Còn sau 5 ngày, kể từ khi doanh nghiệp tăng giá, cơ quan nhà nước không điều chỉnh giá, doanh nghiệp được phép tăng nốt phần còn lại. Trong trường hợp giá cơ sở tăng trên 7%, hoặc giá tăng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp bình ổn giá.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, biên độ điều chỉnh như trong dự thảo mới, ở mức 3% là hợp lý. Lý do là mỗi lần có biến động, giá chỉ tăng trong khoảng 3%, tương đương tăng 400 - 600 đồng/lít sẽ tránh được tình trạng đầu cơ, găm hàng và người dân cũng sẽ dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, không đồng tình với lập luận này, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại, quy định như trong dự thảo mới đang theo xu hướng có lợi cho doanh nghiệp. Bởi ngay cả khi diễn biến giá xăng dầu tăng đến 7%, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo lên cơ quan quản lý trong 5 ngày để xem xét.
Nếu quá thời hạn này, liên bộ không hồi âm, thì doanh nghiệp vẫn được phép tự tăng giá. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để kiểm soát được tần suất tăng giá của doanh nghiệp xăng dầu và cơ quan nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm giám sát việc tăng giá của thị trường thế giới?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến: “Việc mở rộng quyền quyết định giá là điều gây tranh cãi vì điều này có lợi cho doanh nghiệp mà bất lợi cho người tiêu dùng. Cần phải xác định rõ đâu là cơ quan giám sát việc tăng giá của thị trường thế giới để kiểm soát việc yêu cầu điều chỉnh giá của doanh nghiệp. Ngoài ra cần xác định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong vấn đề này. Các cơ quan chức năng cần xem xét, thẩm định báo cáo biến động giá thế giới được tính toán như thế nào để tránh sự lạm dụng, gây bất lợi cho người tiêu dùng.”
Trên thực tế, thị trường xăng dầu ở Việt Nam hiện chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa bởi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn chiếm tới hơn 50% thị phần. Do đó, việc nới rộng quyền định giá cho doanh nghiệp xăng dầu, dù là ở biên độ nhỏ nhất cũng khiến dư luận lo ngại về tính minh bạch, nhất là khi trong dự thảo quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần tăng giá là 15 ngày. Dư luận lo ngại, với những quy định này, không tránh khỏi trường hợp doanh nghiệp có thể tăng giá xăng dầu 2 lần chỉ trong 1 tháng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Quy định 3 nấc biên độ như vậy vẫn là tư duy cũ, không có gì thay đổi và gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội về cách điều hành cơ chế xăng dầu. Với biên độ như vậy, doanh nghiệp vẫn có thể lợi dụng biên độ đó cố lách luật để tăng giá. Cách thức điều hành như vậy chưa phù hợp với thể chế xác định giá đối với loại hình thị trường xăng dầu hiện nay còn độc quyền. Đối với thị trường độc quyền hiện nay, không thể để doanh nghiệp tự định giá dù biên độ rất hẹp, doanh nghiệp vẫn lợi dụng biên độ đó để tăng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự. Do vậy cần phải xem xét lại vấn đề này.”
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã điều chỉnh nhiều lần với các mức tăng trên dưới 300 đồng/lít. Lần điều chỉnh gần đây nhất, với mức tăng 330 đồng/lít, làm cho giá xăng hiện ở mức cao kỷ lục từ 25.230 đồng/lít đến 25.730 đồng/lít. Để kiểm soát và hạn chế tình trạng tăng giá liên tục gây bất lợi cho người tiêu dùng, một số chuyên gia khuyến cáo, nên chăng cơ quan chức năng cần tính toán, cân nhắc cần định giá tối đa, hay còn gọi là giá trần đối với mặt hàng xăng dầu. Còn nếu trao quyền định giá cho doanh nghiệp trong một trị trường chưa có cạnh tranh thực sự, thì dù với biên độ nhỏ nhất, đối tượng hưởng lợi vẫn không thuộc về người tiêu dùng./.