Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng, mặc dù có những dấu hiệu sáng sủa hơn, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn để duy trì các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2013.
IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 3,5% trong năm 2013, tuy thấp hơn chút ít so với mức dự báo 3,6% trước đó nhưng vẫn còn cao hơn mức 3,2% của năm 2012.
Tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ tăng lên 4,1% trong năm 2014, giảm 0,1% so với dự báo trước song vẫn là tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 năm tới.
IMF lạc quan cho rằng, tình trạng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu đã chấm dứt và những hành động gần đây của các chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới có thể sẽ thúc đẩy sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến, bắt đầu ngay từ năm 2013.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng dư âm của cuộc suy thoái 2008-2009 vẫn đang gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu vẫn sẽ tiếp tục, nhưng mức độ không trầm trọng như năm 2012.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 0,2% thay vì tăng 0,2% như dự báo trước đó, và khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014.
IMF cảnh báo, Eurozone vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu nếu các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) không nỗ lực cải thiện nền kinh tế và tiến tới thành lập liên minh ngân hàng.
Cũng trong báo cáo, IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2% đến 2,1% năm 2013 và 3% trong năm 2014. Tuy nhiên, Mỹ có thể vấp ngã nếu các nhà hoạch định chính sách không giải quyết những "lỗ hổng ngân sách" về lâu dài. Theo IMF, Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu và điều này sẽ làm giảm khoảng 1,25% tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2013.
Với kinh tế Nhật Bản, IMF dự báo nước này sẽ tăng trưởng lần lượt 1,2% và 0,7% trong các năm 2013 và 2014. IMF cũng lưu ý mặc dù Nhật Bản đã rơi vào suy thoái, nhưng sự sụt giảm có thể chỉ trong ngắn hạn.
Trong khi đó, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 8,2% trong năm nay, của Ấn Độ là 5,9%, của Brazil và Mexico cùng là 3,5%.
Theo IMF, hành động của các chính phủ tại một số thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ là động lực cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới./.