Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2006 đến nay, trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Argentina liên tục tăng qua các năm (trừ năm 2008).
Giày dép các loại là một trong nhiều mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Argentina |
Theo đó, năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với thị trường này mới chỉ đạt 272 triệu USD, năm 2007 đạt 459 triệu USD, năm 2008 đạt 453 triệu USD, năm 2009 đạt 643 triệu USD, năm 2010 đạt 918 triệu USD, và đến năm 2011 đã tăng gấp 3,7 lần với trị giá đạt 1,008 tỷ USD. Riêng 10 tháng đầu năm 2012 cũng đạt 875 triệu USD.
Năm 2011, Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 29 của Việt Nam (đứng thứ 50 về xuất khẩu và thứ 18 về nhập khẩu). Trong 10 tháng đầu năm 2012, thứ hạng này được nâng lên 2 bậc ở vị trí thứ 27 (đứng thứ 51 về xuất khẩu và thứ 14 về nhập khẩu) với tổng trị giá hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam và Argentina là 875 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Argentina 136 triệu USD, tăng 9,9% và nhập khẩu là 739 triệu USD, tăng 15,7%.
Nếu tính riêng đối với khu vực châu Mỹ, số liệu thống kê cũng cho thấy từ năm 2010, Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam ở châu lục này. Trong 10 tháng đầu năm 2012, đây là thị trường cung cấp hàng hoá cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn thứ 3 khu vực châu Mỹ (sau Hoa Kỳ và Brazil). Bên cạnh đó, đây là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc châu Mỹ.
Về cán cân thương mại, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn nhập siêu trong buôn bán với thị trường Argentina và ngày càng có xu hướng tăng mạnh. Mức nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này trong năm 2011 là 710 triệu USD và trong 10 tháng đầu năm 2012 là 603 triệu USD.
Các mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Argentina là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Argentina đều là nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, xuất khẩu như thức ăn gia súc, dầu mỡ động thực vật, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, bông,…/.