Sáng nay (6/6), tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội thảo “Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những kết quả, thành tựu đạt được trong 25 năm qua và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước hiện nay.
Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng. Đồng thời Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng. (Ảnh: Kiểm toán Nhà nước) |
Kết quả kiểm toán đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý kinh tế tài chính; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính quốc gia; và góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, mặc dù đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng nhưng tổ chức và hoạt động Kiểm toán Nhà nước vẫn còn có những hạn chế và bất cập.
“Mặc dù những thành tựu, kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước là toàn diện, quan trọng và rất căn bản nhưng tổ chức và hoạt động kiểm toán vẫn còn có những hạn chế và bất cập. Khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện. Quy mô kiểm toán mặc dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công.
Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu. Việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán và yêu cầu giữ gìn đạo đức, phẩm chất cán bộ, kiểm toán viên luôn là một thách thức lớn” - GS.TS Đoàn Xuân Tiên nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi để tìm ra giải pháp cụ thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để nâng cao hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công./.
“Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc làm rõ giá điện để dân yên tâm“
Kiểm toán Nhà nước đề nghị được quyền xử phạt hành chính