Liên quan đến Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng xảy ra tại VietinBank, báo giới đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm toán đối với việc phát hiện sai phạm này. Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, đây là một loạt những hành vi lừa đảo.

huyennhuv.jpg
Huỳnh Thị Huyền Như khi trước tòa (Ảnh: Tuổi trẻ)

Khi kiểm toán một ngân hàng, kiểm toán chỉ có thể thực hiện bằng cách chọn mẫu. Có thể có những vụ lừa đảo quá tinh vi thì có thể không phát hiện ngay được. Ngay như vụ Huyền Như, theo ông Khái, có thể do khi thực hiện kiểm toán, các hoạt động liên quan đến vụ việc này không nằm trong mẫu chọn của kiểm toán. Bởi vì vụ việc xảy ra ở 1 phòng giao dịch nào đó thì có thể phòng giao dịch đó đã không thuộc nhóm mẫu mà kiểm toán lựa chọn.

Hơn nữa, ông Khái cho rằng, bản thân ngân hàng có hệ thống kiểm soát nội bộ nhưng vẫn để lọt sai phạm. Kể cả lãnh đạo ngân hàng Vietinbank cũng không phát hiện sự việc xảy ra gần năm trời. Khi vụ việc vỡ lở ra mới biết.

Bình luận về việc này, ông Khái đánh giá: Hoạt động kinh tế, tài chính bao giờ cũng có những bất cập. Trong nhiều người, bên cạnh người tốt vẫn có những người xấu luôn có mưu đồ để lừa dối, tham nhũng. Dù chúng ta tìm mọi cách để tập trung phát hiện, hạn chế tối đa sai phạm, nhưng cũng không thể hết được, chỉ tìm cách hạn chế tối đa.

Qua những vụ như “Huyền Như”, “có thể nói rằng đó là một bài học đối với ngành kiểm toán. Ngành phải tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực... để phát hiện, tránh rủi ro kiểm toán có thể xảy ra”- ông Khái nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác kiểm toán nội bộ của ngân hàng, công ty tài chính hiện nay, ông Khái cho biết: Qua quá trình làm việc với 5 Ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cho thấy, mỗi Ngân hàng đều có bộ phận kiểm toán nội bộ tương đối tốt về cơ cấu, quy chế và thực hiện và hoạt động tương đối độc lập. Họ giúp cho KTNN rất nhiều. Có thể coi các kiểm toán nội bộ này như những cánh tay nối dài của Kiểm toán Nhà nước t trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán./.