Huyện Bình Chánh (TP HCM) là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất phân bón. Trong đợt kiểm tra vừa qua, các cơ quan chức năng của thành phố và Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã phát hiện một nửa số cơ sở sản xuất phân bón ở Bình Chánh vi phạm các quy định của Nhà nước.
Tại huyện Bình Chánh, những vi phạm của các cơ sở sản xuất phân bón dễ nhìn thấy nhất là nằm sát trường học, gần nhà dân và ngay trên tuyến kênh rạch. Hiện nay, trên tuyến kênh Xáng thuộc xã Lê Minh Xuân có gần một chục cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Osaka Nhật Bản, Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Bốn mùa, Công ty sản xuất sản xuất Phân bón Ba Miền…
Tại đây, nhiều cơ sở sản xuất phân bón sử dụng thiết bị rất thô sơ như xẻng, cuốc trộn phân, máy móc cũ kỹ. Phần lớn các cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định mà xả thải trực tiếp ra kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, có đến 18 đơn vị vi phạm về chất lượng, việc ghi nhãn mác bao bì, giả nhãn hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ hàng hóa... Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tịch thu, tiêu hủy gần 4 tấn phân bón, phạt hơn 828 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 cơ sở sản xuất không giấy phép.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, đây là một tỷ lệ vi phạm đáng báo động. “Chỉ có 21 cơ sở sản xuất phân bón ở Bình Chánh mà tỷ lệ vi phạm lớn như vậy thì còn số 267 cơ sở sản xuất của toàn thành phố thì trật tự quản lý phân bón của thành phố như thế nào?” ông Hùng băn khoăn.
Tại buổi làm việc mới đây với Ban chỉ đạo Quốc gia 389 và lãnh đạo Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ủy ban nhân huyện Bình Chánh đã nhận trách nhiệm trong công tác quản lý sản xuất phân bón chưa chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Bình Chánh cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phối hợp với cơ quan chuyên ngành để rà soát kiểm tra, xử lý. Huyện rút kinh nghiệm nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành thành phố để đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này không chỉ của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý những vi phạm không nghiêm mà còn có trách nhiệm của cơ quan cấp phép. Từ năm 2009, Thành phố Hồ Chí Minh đã quy hoạch địa bàn huyện Bình Chánh không được sản xuất phân bón. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, Cục Hóa chất của Bộ Công thương và Cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn cấp phép sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp ở đây. Chính vì vậy, các đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động ngày đêm, ngay tại khu dân cư, trường học.
Trong công tác quản lý phân bón hiện có nhiều quy định chồng chéo giữa các bộ, ngành chức năng nên dẫn đến sự quản lý lỏng lẻo. Trong lúc chờ đợi các cơ quan chức năng điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác quản lý phân bón thì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết chấn chỉnh thực trạng này. Đó là từ nay đến cuối năm, thành phố cho tổng kiểm tra và rà soát tại tất cả 24 quyện, huyện; nếu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón nào không đủ điều kiện sản xuất sẽ cho ngưng hoạt động. Riêng các cơ sở sản xuất phân bón vi phạm nghiêm trọng thì ngành chức năng sẽ khởi tố
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM, cho hay, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện 1 ngàn tấn phân bón giả, gây thiệt hại hơn 50 ngàn tỷ đồng cho nông dân. Trước những bất cập trong quản lý phân bón hiện nay, sau khi kiểm tra ở huyện Bình Chánh, Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 đang đề nghị Chính phủ cho tổng kiểm tra trên toàn quốc.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Không vì sự bấp cập, chồng chéo trong quy định pháp luật về quản lý mà để người nông dân bị mất mùa do tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành./.Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Loạn chủng loại phân bón, chồng chéo quản lý