Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh điều này tại 2 phiên thảo luận với chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức.
Khi đóng cửa thì không thể nói phục hồi
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Việt Nam cũng đang có điều chỉnh chính sách tài khoá, hỗ trợ DN, hộ kinh doanh và người lao động qua nhiều công cụ. Ước tính thuế miễn, giảm, giãn năm 2020 khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Con số này năm 2021 khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Các chính sách tập trung vào ngành hàng, lĩnh vực chịu tổn thương nhiều như vận tải, du lịch, giáo dục, y tế...
Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp DN, chủ sử dụng lao động, người lao động và đối tượng yếu thế cũng được thực hiện. Đến 2021 chi cả của Trung ương và địa phương khoảng 76.000 tỷ đồng, ngoài ra còn sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, TNLĐ cỡ 48.000 tỷ đồng. Nhiều chính sách miễn, giảm tiền điện, cước viễn thông, học phí ước tính 40.000 tỷ đồng.
“Tổng hoà các chính sách thực hiện vừa qua góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, đối tượng chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh và qua đó tạo nguồn lực ứng phó thành công với dịch bệnh, đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội” – ông Võ Thành Hưng khẳng định, tuy vậy do chưa bao giờ có sự hỗ trợ lớn về quy mô lẫn phạm vi đối tượng như thế nên quá trình triển khai thực hiện cũng có điểm cần rút kinh nghiệm.
Vấn đề đặt ra là chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thì chính sách nào trọng tâm nhất, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, câu trả lời phụ thuộc thời điểm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh. Giai đoạn dịch bùng phát nhanh như ở Bắc Ninh, Bắc Giang vào tháng 4, tháng 5 hay các tỉnh phía Nam tháng 8, tháng 9 năm 2021 là lúc sử dụng nhiều công cụ chi hỗ trợ trực tiếp cho DN và người dân; xuất cấp hàng dự trữ để người dân yên tâm phòng chống dịch. Khi tình hình dịch được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại bình thường hơn thì chính sách tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, giải quyết an sinh xã hội qua hỗ trợ thanh khoản, tín dụng, chi phí đầu vào khác.
Bên cạnh đó, để tạo nền tảng phát triển bền vững thời gian tới thông qua kích cầu đầu tư, đặc biệt là hệ thống hạ tầng quan trọng. Đây cũng là trọng tâm của chương tình phục hồi mà Chính phủ bàn thảo với phía cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện trình Quốc hội thời gian tới.
“Tuy nhiên cần lưu ý dịch bệnh chưa mất đi, thậm chí phức tạp hơn với biến chủng mới Omicron, đòi hỏi tiếp tục dành nguồn lực thích đáng cho y tế, phòng chống dịch bệnh. Chúng ta cũng chỉ có thể bàn phục hồi phát triển kinh tế một khi dịch bệnh được khống chế, vì khi tất cả đóng cửa thì không thể nói phục hồi” – ông Võ Thành Hưng nói.
Hiểu thế nào là “tiền trong dân”?
“Nhiều người phản ứng với câu “tiền trong dân” nhưng ngôn ngữ Việt Nam rất tinh tế, vì “dân” ở đây là DN, là ngân hàng thương mại, các quỹ chứ không chỉ là người dân”, có thể huy động trong thị trường” – TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, đồng thời cho biết Bộ Tài chính đã huy động được một nguồn lực rất quan trọng qua công cụ trái phiếu với lãi suất thấp hơn trong thời gian dài hơn là điều rất tốt.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, dịch bùng phát ở Việt Nam chậm hơn nên thế giới có bước đi trước, phục hồi nhanh hơn, song điều đó cũng có nghĩa chúng ta học được kinh nghiệm kích cầu và kích cung.
TS Trương Văn Phước cũng đề xuất khuôn khổ đánh giá lạm phát Việt Nam cần linh hoạt hơn vì hiện các nước đi theo xu hướng đánh giá cả chu kỳ chứ không chỉ lấy lạm phát hàng năm để đánh giá CPI.
“Điều gì xảy ra nếu CPI của Việt Nam đụng trần 4%, hết dư địa của điều hành chính sách? Vì sao chúng ta không chấp nhận lạm phát của Việt Nam sang năm là 4,5%, năm 2023 là 3,6%, năm 2024 thì chỉ có 2,8%...? Điều này sẽ tạo ra khuôn khổ vô cùng linh hoạt cho Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ” – ông Phước đặt vấn đề.
So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy, "dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.
Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. Nhưng, TS Võ Trí Thành cho rằng, sự đồng hành của Quốc hội nên thể hiện qua các kỳ họp bất thường, thay vì hai kỳ họp đầu và cuối năm thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội. Việc tổ chức kỳ họp bất thường, theo ông Võ Trí Thành, có thể sẽ phải được Quốc hội thực hiện ít nhất trong 5 năm tới, do tình hình thế giới còn bất định, nhiều bất ổn và rủi ro hiện nay.
Do quá trình thực hiện phải tuân thủ quy trình, thủ tục được luật định nên việc chuẩn bị và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội phải rất nhanh. Nhưng, theo ông Thành, đáng tiếc là Chương trình phục hồi tổng thể này được nghĩ đến từ cách đây một năm, song đến nay mới được đưa ra xem xét.
Đề cập về độ nhạy của các thị trường, thu nhập và tiêu dùng của người dân mỗi khi chính sách mới được ban hành, TS Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện./.