Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm nay sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhu cầu và giá cả nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm, cộng với sức mua trong nước giảm sút gây tồn kho, ứ đọng lớn, kéo giá trong nước giảm thấp, nhất là các sản phẩm lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp, làm giảm thu nhập của nông dân. Riêng trong vụ lúa hè thu mới đây, thực hiện việc mua tạm trữ lúa gạo, thống kê đến ngày 27/6, các thương nhân mới mua được trên 200.000 tấn quy gạo, đạt 21% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, dự báo giá lúa vẫn không có biến động và người nông dân vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, về sản xuất và xuất khẩu cá tra, tôm nước lợ cũng còn nhiều. Tình hình bệnh trên thủy sản, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tiếp tục làm giảm bước phát triển của các mặt hàng chủ lực có thế mạnh của ĐBSCL.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: “Các bộ sẽ phối hợp với doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ, tích cực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Ưu tiên tăng lượng để giảm tồn kho trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp mua trực tiếp cho nông dân và bao tiêu thông qua cánh đồng mẫu lớn. Về giải pháp lâu dài, trên cơ sở đề án được Chính phủ phê duyệt, đề nghị rà soát lại quy hoạch, cơ cấu cây trồng”.
Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Công Thương, tình hình thị trường gạo thế giới vẫn trong xu hướng sụt giảm chủ yếu do dư thừa cung gạo toàn cầu. Sản lượng của các nước xuất khẩu gạo khác như Pakistan, Campuchia đều tăng. Lượng gạo tồn kho và áp lực đẩy mạnh tiêu thụ của Thái Lan, Ấn Độ cũng đang có nhu cầu lớn./.