Với gần 1,6 triệu ha lúa đông xuân, dự kiến vụ này, nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hoạch khoảng 10 triệu tấn lúa, tương đương 6 triệu tấn gạo. Trong khi đó, giá lúa đầu vụ liên tục giảm, do tình hình xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, giá gạo xuất khẩu chỉ 440 USD/tấn. Các doanh nghiệp chỉ thực hiện được các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, riêng hợp đồng thương mại ký kết rất chậm, nên nguy cơ tồn đọng lúa trong dân rất lớn.
** Thưa ông, trước tình hình xuất khẩu gạo ở nước ta đang chậm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có những giải pháp nào để đảm bảo thu mua hết lúa gạo trong dân?
-Trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm của Hiệp hội là làm thế nào phải tiêu thụ hết lúa gạo hàng hoá cho nông dân ở mức giá hợp lý, bảo đảm lãi tối thiểu cho người nông dân.
Trong đó, tạp trung và các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời mua vào tạm trữ khi cần thiết. Vấn đề chính là làm sao tiêu thụ kịp thời được lúa gạo hàng hoá của dân và đảm bảo được hiệu quả cho người sản xuất.
Trong trường hợp xuất khẩu bị chậm không tiêu thụ kịp thời, Hiệp hội điều phối các doanh nghiệp mua vào tạm trữ. Đây là chương trình mua tạm trữ đặc biệt chứ không phải mua để xuất khẩu bình thường và phải bảo đảm được giá có lãi cho nông dân theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, phải bảo đảm cho nông dân có lãi 30%, trong khi chờ Bộ Tài chính và các ngành thống nhất giá thành lúa, hiện chúng tôi đang tạm mua vào với giá tối thiểu là 4.000 đồng/1 kg lúa khô tại kho. Theo tính toán sơ bộ, với giá thu mua này người nông dân có lãi khoảng 40%.
Hiện, Hiệp hội đang điều phối các doanh nghiệp triển khai mua vào 1 triệu tấn gạo trong tháng 3 và tháng 4- thời điểm thu hoạch rộ vụ đông xuân và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người nông dân biết và bán lúa ra cho các doanh nghiệp ở mức giá này.
** Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo là vốn, vậy Hiệp hội và Chính phủ đã có giải pháp gì để các doanh nghiệp có đủ vốn thu mua hết lúa gạo trong dân?
- Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc cấp vốn cho các doanh nghiệp. Trong đó đối với một số doanh nghiệp thì sẽ cấp vốn vượt hạn mức 5%, và đối với 2 Tổng công ty lương thực thì không hạn chế.
Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị để các ngân hàng dành ưu tiên cấp vốn cho các doanh nghiệp thu mua lúa theo chương trình tạm trữ này. Các doanh nghiệp khi được phân bổ mua lúa theo chương trình tạm trữ có thể thông báo cho ngân hàng để vay vốn mua theo chỉ tiêu phân bổ.
** Hiện nay, hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp thu mua lúa gạo có đảm bảo chất lượng gạo khi xuất khẩu?
- Các doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa gạo là những doanh nghiệp có đủ điều kiện và kế hoạch tạm trữ từ 3 đến 4 tháng. Tức là phải có đủ khả năng tài chính, kho tàng dự trữ…
** Vấn đề lo ngại hiện nay là tình trạng đầu cơ từ các nhà nhập khẩu, Hiệp hội đã có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trong nước phá giá để ký hợp đồng xuất khẩu?
-Chắc chắn các thương nhân nước ngoài muốn mua giá thấp, bán giá cao để lấy lãi. Do đó vấn đề của chúng ta là vẫn phải có cơ chế để chống lại sự ép giá.
Hiệp hội đã có cơ chế điều hành theo chỉ đạo chung của Chính phủ, đó là hướng dẫn giá. Các doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng ở mức giá được hướng dẫn để bảo đảm hiệu quả xuất khẩu. Xuất khẩu không chỉ xuất cho hết số lượng hàng hoá thừa mà còn phải bảo đảm hiệu quả trên cơ sở giá thị trường. Doanh nghiệp nào không chấp hành, bán phá giá thì sẽ có biện pháp chế tài.
** Xin cảm ơn ông!/.