Nghe cuộc trao đổi của PV VOV với PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng

Sự việc đường ống nước Sông Đà bị vỡ 9 lần trong một năm và thông tin Vinaconex có thể tiếp tục được giao làm tiếp hệ thống đường ống nước thứ 2 đang khiến dư luận cả nước xôn xao.

PV VOV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội về vấn đề này.

PV: Mới đây, Bộ Xây dựng đã tìm ra nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà là do chất lượng đường ống, vậy việc cần thiết nhất cần làm lúc này đối với đường ống dẫn nước là gì, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng: Đầu tiên, khi đơn vị thi công phát hiện ra vấn đề của đường ống thì cần phải khắc phục về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, đơn vị thi công cần phải đảm bảo kỹ thuật, chất lượng của đường ống và quản lý chặt chẽ từ khâu khảo sát địa hình, giám sát thi công, tư vấn giám sát, vận hành sử dụng khai thác cũng phải đảm bảo quy trình kỹ thuật.

images955515_31_wlkb.jpg 

Vinaconex thông báo đường ống nước Sông Đà bị vỡ là do chất lượng kém (Ảnh: GTVT)

Thông thường sự cố xây dựng xảy ra sẽ là do không đảm bảo được một hoặc nhiều khâu trên . Do vậy, tôi cho rằng, việc Vinaconex công bố nguyên nhân đường ống hỏng vì chất lượng kém là hoàn toàn thuyết phục. Bởi trước khi chủ đầu tư quyết định đưa đường ống vào lắp đặt, chủ đầu tư phải phê duyệt phương án thi công dựa trên bài toán tổng thể về việc đặt đường ống ở đâu, trên nền đất như thế nào, điều kiện kỹ thuật thi công ra sao… Chính vì vậy, nếu chỉ nêu lý do chất lượng đường ống kém là đơn vị thi công đã chưa nhận đủ trách nhiệm.

PV: Cá nhân ông suy nghĩ như thế nào khi nghe tin Vinaconex có thể tiếp tục được giao làm tiếp hệ thống đường ống nước thứ 2?

PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng: Vừa rồi Vinaconex này đã phải thành lập một đội ứng cứu nhanh để xử lý khủng hoảng, đây là một điểm tích cực của công ty này. Nhưng quan trọng hơn nữa, khi họ đã rút được kinh nghiệm qua những sự việc nghiêm trọng vừa qua, quá trình thiết kế và thi công lần tới có thể sẽ được chú trọng hơn nhiều để đảm bảo chất lượng dự án. Ngoài ra, với kinh nghiệm, hệ thống kỹ thuật và thực chất họ đã biết được lý do đường ống hỏng thì có lẽ việc xây dựng sẽ tốt hơn.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng Vinaconex phải bồi thường cho những công trình kém chất lượng, ông nghĩ sao về điều này?

PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng: Tôi cho rằng, từ trước tới nay, quy định bảo hành cho dự án quá ngắn, thường chỉ từ 1 tới 2 năm, do vậy việc gắn với trách nhiệm rất khó vì dự án thường khó có thể hư hỏng nhanh như vậy.

Người thi công, thiết kế xong dự án là xong trách nhiệm, dẫn đến nhiều trường hợp tiến hành không đảm bảo chất lượng, thiếu trách nhiệm. Do vậy, tôi cho rằng nên quy định thời gian bảo hành lâu hơn và yêu cầu các bên thi công, thiết kế phải tham gia cả vào quá trình bảo hành để tăng tính trách nhiệm cho các bên./.