Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ước tính cả nước đã có 452 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và 123 dự án tăng vốn. Tính chung cả đăng ký mới và tăng vốn, Việt Nam đã thu hút được 8 tỷ USD, bằng 95% cả năm 2010.

Lũy kế 6 tháng, giải ngân vốn FDI đạt 5,4 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2011. Trong danh sách các nhà đầu tư lớn nhất, Nhật Bản chiếm vị trí số 1 với gần 4,1 tỷ USD (65%).

So với mục tiêu thu hút được từ 15-17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm nay, khả năng đạt được mục tiêu tương đối khó, nhất là trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm.

Về công tác đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư xây dựng ước 6 tháng năm 2012 của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công Thương thực hiện 101.253 tỷ đồng, bằng 34,9% kế hoạch năm, trong đó, các Tập đoàn và Tổng công ty thực hiện 101.106,5 tỷ đồng và bằng 34,9% kế hoạch năm; khối hành chính sự nghiệp thực hiện 146,5 tỷ đồng, bằng 33,7% kế hoạch năm.

Trong các lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đứng đầu, chiếm khoảng 63% lượng vốn đăng ký, tiếp theo là bất động sản với số vốn đăng ký chiếm gần 25% và nhóm các dự án bán buôn, bán lẻ, sửa chữa chiếm khoảng 10%.

Xét theo đối tác đầu tư, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,68 tỷ USD, chiếm 69,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; British Virgin Island đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 440,8 triệu USD, chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư; vị trí thứ 3 là Hongkong với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 399,6 triệu USD, chiếm 7,5%.

Về địa bàn đầu tư, tỉnh Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 1,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 30,1% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 928,8 triệu USD, chiếm 17,4%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 698 triệu USD, chiếm 13,1%./.