Trong năm 2019, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có 25 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu với 10 lần tăng giá, 11 lần giảm giá và 4 lần giữ nguyên giá. Thị trường xăng dầu qua 1 năm nhìn chung có diễn biến tăng giá, với tỷ lệ từ 14% - 18% đối với các mặt hàng xăng và từ 3,6% - 3,9% đối với các mặt hàng dầu. Duy có mặt hàng dầu mazut sau 1 năm lại giảm giá trên 2.000 đồng/lít (14,8%).
Mặc dù trong bối cảnh bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới qua các tháng trong năm có nhiều biến động tăng, giảm đan xen, nhưng để đảm bảo giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, Liên Bộ đã sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, liên Bộ đã thực hiện trích lập để duy trì mức tăng Quỹ và có chi Quỹ để hạn chế mức tăng giá các sản phẩm xăng dầu. Mức trích lập và chi Quỹ được vận dụng linh hoạt khi giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng và giảm khác nhau, phù hợp với bối cảnh giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng trong nước, nhằm hỗ trợ sản xuất và đời sống của người dân, góp phần bình ổn thị trường.
Giá các mặt hàng xăng, dầu có tăng nhẹ trong năm 2019. |
Nhận xét về việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, khi xăng dầu vẫn được xem là mặt hàng chiến lược thì phải có sự quản lý. Vì thế, Nhà nước vẫn sử dụng các biện pháp, kể cả can thiệp hành chính, để đem lại hiệu quả trong quản lý kinh doanh.
“Thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn là thị trường nên vẫn cần bàn tay điều hành của Nhà nước. Nhà nước phải dùng nhiều biện pháp khác nhau để điều hành giá xăng dầu, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng bền vững thì dứt khoát giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo”, ông Thịnh nói.
Vấn đề nổi cộm trong năm 2019 vẫn là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến tương đối phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Ngoài các vụ phát hiện hành vi buôn lậu xăng dầu trên biển, khu vực biên giới trên đất liền, lực lượng chức năng còn điều tra, triệt phá đường dây pha chế xăng giả, lấy xăng pha với chất dung môi, hòa chất tạo màu để tạo thành xăng A95 và xăng E5 bán ra thị trường.
Theo đánh giá của ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và gây thất thu cho nhà nước.
“Qua công tác kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện các hành vi vi phạm điển hình như bán xăng dầu ngoài hệ thống; kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua công tác kiểm tra, có những trường hợp 50% mẫu xăng A95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Linh cho hay.
Sửa đổi Nghị định 83 là cần thiết
Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trước sự thay đổi về năng lực sản xuất và tình hình cung ứng xăng dầu trong nước; sự thay đổi về chính sách khi Việt Nam tham gia các FTA..., Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Nghị định 83/CP sẽ được sửa đổi theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu và thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chi phối.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), quan điểm mới nhất của Ban soạn thảo và Chính phủ, kể cả các bộ, ngành trong đó có liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn thống nhất quan điểm là trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung vẫn có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
“Dự kiến sửa đổi Nghị định theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; bổ sung quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng Quỹ Bình ổn giá trong khi Quỹ Bình ổn giá tại doanh nghiệp bị âm”, ông Đông nói.
Liên quan tới nội dung này, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn kinh tế Công nghiệp (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích: Quỹ này về mặt bản chất là một công cụ điều tiết ổn định giá xăng dầu trong nước trước những biến động của thị trường quốc tế, đặc biệt là ở những giai đoạn giá dầu quốc tế tăng cao thì vai trò của Quỹ càng lớn.
“Tuy vậy, điều mà cả xã hội quan tâm là sự công khai minh bạch của quỹ từ dòng ra dòng vào, giá trị của quỹ, cơ chế quỹ… Chỉ khi trong nghị định mới vấn đề công khai minh bạch của quỹ được giải quyết thì việc giữ lại quỹ mới đáp ứng được các mục tiêu là bình ổn giá và minh bạch thông tin điều hành của Nhà nước liên quan tới quỹ. Với cách làm như hiện nay thì không nên giữ lại quỹ mà cần xây dựng một cơ chế bình ổn khác", TS. Bùi Xuân Hồi nhìn nhận.
Đánh giá Quỹ Bình ổn xăng dầu đã góp phần tạo ra sự ổn định cho thị trường, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Quỹ đã góp phần làm giảm sự phụ thuộc gần như tuyệt đối về biến động giá trên thị trường xăng dầu thế giới, làm giảm những cú sốc cho thị trường xăng dầu trong nước.
Do đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm vẫn nên giữ lại Quỹ Bình ổn xăng dầu, khi khả năng dự báo biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới của các doanh nghiệp chưa tốt. Nhất là khi Việt Nam chưa có thị trường cạnh tranh đối với mặt hàng xăng dầu và vẫn còn quá ít đầu mối được chỉ định nhập khẩu xăng dầu. Song, rất cần phải có sự thay đổi trong việc quản lý Quỹ để người dân thấy được tính minh bạch và công khai./.
Sẽ sửa đổi công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu