Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại thành phố Nha Trang, Công ty Cổ phần Đông Á chuyên sản xuất bao bì tại Cụm công nghiệp Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương vẫn sản xuất liên tục. Hơn 1 tháng nay, 250 trong số 330 lao động đã ăn, ở, làm việc tại công ty.

Anh Hoàng Văn Chung, Công nhân Công ty Cổ phần Đông Á cho biết, công ty đã hỗ trợ để người lao động được ăn 4 bữa, tăng thu nhập thêm mỗi người từ 5%-7% nhằm động viên người lao động an tâm làm việc, kịp thời cung ứng sản phẩm, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất:

“Ăn uống cũng bình thường như mọi hôm, cơm, cá, canh đầy đủ. Ban lãnh đạo cũng tạo điều kiện giúp đỡ chỗ ở thuận tiện, tạo công ăn việc làm. Trong mùa dịch này, đời sống anh em được tốt hơn, ổn định hơn, lương tháng bình quân tầm 9 – 10 triệu”.

Để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, phát sinh chi phí sản xuất, quản lý, tổ chức đội ngũ y tế để tầm soát, sàng lọc sức khỏe cho người lao động... Trong lúc nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất, một số doanh nghiệp cũng cố gắng duy trì hoạt động để thực hiện các đơn hàng cho đối tác. Do phải kéo dài “3 tại chỗ” hơn 1 tháng nay nên đời sống nhiều gia đình người lao động bị đảo lộn, một số công nhân biểu hiện mệt mỏi.

Tại nhiều đơn vị, sau hơn 1 tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, số người lao động xin trở về nhà ngày một tăng lên. Cá biệt có công ty 100% người lao động đều kiến nghị không tiếp tục ở lại làm việc.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, ở Cụm công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh cho biết, hơn 300 công nhân đang làm việc tại Nhà máy sản xuất bao bì của doanh nghiệp rất mong được tiêm vaccine phòng chống Covid-19:

“Thời gian kéo dài quá lâu, anh em cũng rất là mệt mỏi, không biết tình hình sắp tới có sáng sủa hơn hay không để chuyển đổi sang mô hình khác. Mô hình này lâu quá rồi, dịch bệnh không lường trước được. Kiến nghị của chúng tôi là ưu tiên cho các đơn vị sản xuất thực hiện 3 tại chỗ được tiêm chủng vaccine đầy đủ, để tiếp tục sản xuất, không bị đứt gãy”.

Tỉnh Khánh Hòa có 45 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” với hơn 8.000 người lao động ở lại đơn vị. Đa phần là các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp liên quan đến xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và các công trình trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ.

Ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa tập huấn lấy mẫu test nhanh cho các tổ y tế của doanh nghiệp, hỗ trợ hàng chục tấn gạo, rau, thực phẩm cho các bếp ăn công nhân:

“Thời gian sắp tới, tổ chức công đoàn cố gắng tiếp tục hỗ trợ bữa ăn cho người lao động, tìm một số giải pháp để nâng cao đời sống, tinh thần cho công nhân lao động trong điều kiện ăn ở tập trung, xa gia đình. Bên cạnh đó, tiếp tục các hình thức hỗ trợ. Đối với F0, chúng tôi hỗ trợ 3 triệu đồng, F1 hỗ trợ 1,5 triệu, F2 bị mất thu nhập hỗ trợ 500.000 đồng”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tình hình dịch bệnh phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang tiếp nhận hồ sơ gói vay lãi suất 0 đồng, không thế chấp dành cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trước mắt, tỉnh sẽ nới lỏng phương án sản xuất “3 tại chỗ” xuống còn “2 tại chỗ” (ăn, làm tại chỗ), đề xuất các cấp có thẩm quyền giảm giá điện, nước, thuế.

“Thời gian giãn cách trên địa bàn cũng khá lâu, chủ trương của tỉnh đối với vùng xanh, người lao động được đi làm bình thường nhưng với điều kiện phải kiểm soát phòng dịch cho thật tốt. Bản thân chủ doanh nghiệp phải tổ chức đưa đón, đi đến nơi về đến chốn. Cũng là 1 cung đường, 2 địa điểm, từ nhà đến nơi sản xuất và từ nơi sản xuất trở về nhà, phải thực sự an toàn”./.