UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển. Theo đó, các lồng, bè phải bảo đảm an toàn trước sức gió của bão cấp 12.

vov_nuoi_ca_long_lyhf.jpg
Một lồng bè trên biển bị bão số 12 đánh dạt vào bờ biển Nha Trang

Bão số 12 năm ngoái khiến nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên biển tỉnh Khánh Hòa thiệt hại nặng nề và bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà quy định thiết kế lồng, bè sao cho dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di dời, lắp đặt, có khả năng đánh chìm khi có gió bão, chịu được bão cấp 12.

Vật liệu làm lồng, bè phải chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với môi trường sóng, gió và các chất khử trùng tiêu độc; khoảng cách tối thiểu giữa các bè là 50 mét; khuyến khích, ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE.

Đối với khu vực biển hở, mặt nước lớn bắt buộc sử dụng các loại lồng bằng vật liệu HDPE để giảm các rủi ro từ thiên tai.  Riêng vùng nuôi thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh, nơi dự kiến sẽ hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, được tồn tại đến hết năm 2022.

Sau năm 2022, nếu Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì các tổ chức, cá nhân phải thu dọn vệ sinh, xử lý môi trường nuôi và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu mà không được nhận bồi thường.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, xuống vùng thực địa, xác định vùng quy hoạch để từ đó hướng dẫn bà con.

Cần đảm bảo các điều kiện sản xuất an toàn, kỹ thuật nuôi trồng hiện đại để bà con có thể thực hiện nuôi trồng với chất lượng và năng suất. Đồng thời, đảm bảo với khả năng ứng phó với thiên tai, khi có diễn biến thiên tai đến Khánh Hòa, ông Vinh lưu ý./.