Theo đại diện của Ban QLDA Đường sắt, sau 1 tháng trưng bày (từ 29/10 đến 30/11/2015) Ban QLDA đã nhận được gần 2.000 phiếu đóng góp ý kiến. Trong đó, các góp ý về nội thất chiếm gần 35%, góp ý về ngoại thất hơn 22%,… Tuy nhiên, các ý kiến góp ý phần nhiều là khen hoặc chê một cách cảm tính mà không nêu lý do cụ thể và cũng có không kiến nghị chỉnh sửa cụ thể.
Mẫu tàu được trưng bày hồi tháng 10/2015 |
Ngoài ra, các ý kiến kiến nghị chỉnh sửa cũng không tập trung, đồng thời ý kiến về màu sắc cũng phân tán không cụ thể vào một màu nào. Đáng nói là có đến 36% ý kiến không hài lòng về ngoại thất, kiến nghị đổi màu chiếm hơn 32%, chỉ có một tỉ lệ khá khiêm tốn đồng ý với màu xanh lá như tàu mẫu.
Một trong những nội dung được khá nhiều người dân quan tâm góp ý nữa là hình dáng của đầu tàu mẫu. Hầu hết ý kiến đều cho rằng nên thiết kế đầu tàu vát hơn nữa, giống đầu cá mập để tăng tính khí động học. Theo lý giải của Ban QLDA Đường sắt, đây là phương tiện vận tải công cộng nội đô, ưu tiên vận chuyển được nhiều hành khách, tốc độ chạy trung bình không cao (35km/h). Do vậy, việc tiết kiệm không gian tối đa để chứa được nhiều hành khách được ưu tiên cao nhất, cabin lái tàu được thiết kế một cách tối ưu, chiếm ít diện tích nhất và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Có cần thiết lấy ý kiến người dân về toa tàu mẫu Cát Linh-Hà Đông?
Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt - Lê Kim Thành cho biết các ý kiến chưa hài lòng, chê chiếm tỉ lệ khá cao nhưng không nêu gì thêm, ý kiến kiến nghị đổi màu sắc cũng chiếm tỉ lệ lớn nhưng lại không tập trung vào một màu nào cụ thể, chia đều cho các màu như vàng, đỏ, cam, trắng, xanh dương. Do vậy, không có cơ sở để xác định màu nào có ưu điểm hơn, được nhiều người ưa thích hơn để đề xuất thay đổi. Ngoài ra, vấn đề màu sắc phụ thuộc rất lớn vào quan điểm cá nhân, thường không có chuẩn mực chung để xác định.
Cũng theo đại diện Ban QLDA trong nhiều ý kiến chê màu sắc xanh lá của tàu mẫu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, không ít ý kiến cho rằng, màu này trùng lặp với màu sắc của 1 hãng vận tải khá nổi tiếng, nên xem xét để đổi sang màu khác. Đối với một số ý kiến cho rằng nên thêm màu khác, thay đổi độ đậm nhạt, sơn màu cho toàn bộ thân tàu.
Mặt khác, thân vỏ tàu được lựa chọn thép không gỉ để tăng tuổi thọ đoàn tàu mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ, có tính hiện đại, sạch sẽ vì vậy không cần phải sơn toàn bộ thân tàu. Cùng đó về nội thất cũng nhận được khá nhiều ý kiến góp ý như tay nắm treo quá gần ghế ngồi gây vướng, cần bổ sung thêm tay nắm cho hành khách đứng… Ban QLDA Đường sắt sẽ tiếp thu và đề xuất xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Sẽ không đổi hình dáng đầu tàuĐoàn tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn tàu B1, bố trí cửa thoát hiểm kèm thang cho hành khách dễ dàng thao tác khi cần thoát hiểm. Đầu tuyến tàu đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đã được lựa chọn trên các phương án nhằm mang hình dáng khí động học để có dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn đủ tiện ích, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. So với đầu tàu các tuyến đường sắt đô thị phổ biến khác trên thế giới, thì đàu tàu được lựa chọn có độ vát hơn rất nhiều. Nếu làm vát hơn nữa sẽ không đảm bảo tối ưu, gây cản trở tầm nhìn của lái tàu và vướng cửa thoát hiểm.
Theo ông Thành Ban QLDA Đường sắt sẽ kiến nghị Bộ GTVT thành lập Hội đồng đánh giá ý kiến đóng góp để xem xét, quyết định các nội dung tiếp thu, chỉnh sửa. Thành phần của Hội đồng được đề xuất gồm Vụ KH-CN, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, các chuyên gia về đầu máy toa xe của Trường Đại học GTVT, UBND TP.Hà Nội… nhằm đánh giá ý kiến đóng góp, xem xét các nội dụng có nhiều ý kiến để quyết định điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân.
Tuy nhiên, Ban QLDA Đường sắt cũng có kiến nghị một số nội dung về màu sắc của tàu, có thể xem xét thêm lựa chọn màu xanh dương như kiến nghị trước đây của Ban QLDA Đường sắt; không thay đổi hình dáng đầu tàu; bổ sung thêm tay nắm; điều chỉnh bản đồ LED; sử dụng giọng đọc nữ cho mềm mại khi phát thanh trên tàu…/.