Toa tàu mẫu của đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) để người dân và các chuyên gia tham quan, góp ý. Hai ngày nay, nhiều người dân thủ đô náo nức đến tận nơi để “mục sở thị” toa tàu này. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của nhân dân sau khi tham vấn tại cuộc trưng bày này, Bộ GTVT sẽ có những điều chỉnh cần thiết rồi sau đó đặt hàng sản xuất hàng loạt.
Người dân được phát phiếu thăm dò sau khi thăm quan (ảnh Lê Minh) |
Thế nhưng, việc làm được cho là công khai, minh bạch của Ban quản lý dự án đang khiến nhiều người băn khoăn, liệu có thừa, cần thiết không hay chỉ gây tốn kém, lãng phí?
Băn khoăn là vì người dân đến đây chủ yếu để xem, ngó nghiêng chứ góp ý chỉ là vài ba thứ vụn vặt như màu sơn, ghế ngồi, tay cầm, chỗ đứng… còn các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chất lượng sao họ có trình độ, kinh nghiệm để góp ý?
Tàu điện trên cao đầu tiên của Hà Nội có gì đặc biệt?
Mục đích của đợt trưng bày này còn để các chuyên gia tham gia, góp ý, nhưng cũng như người dân, nếu các chuyên gia có đến đây cũng chỉ đứng nhìn ngó một mô hình chứ không phải được tiếp xúc với các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chất lượng, vận tốc của con tàu. Nên chắc gì có chuyên gia nào dám “liều” mà đưa ra ý kiến cho Ban quản lý.
Với một công trình như đường sắt trên cao, yếu tố an toàn và kỹ thuật phải được đặt lên hàng đầu. Còn mẫu mã con tàu chỉ là thứ yếu, chắc chắn rằng, khi chọn lựa nhà sản xuất này, Ban quản lý dự án đã phải mời hẳn một Hội đồng thẩm định, đấu thầu… rất cặn kẽ. Hội đồng này sẽ phải chịu tất cả trách nhiệm liên quan nếu xảy ra các sự cố trong quá trình vận hành con tàu.
Vậy ở đây, lấy ý kiến người dân thì có hàm ý gì? Hay vì Hội đồng khoa học, Hội đồng tư vấn, đấu thầu… chưa chắc chắn về lựa chọn của mình, muốn tìm nơi “san sẻ” trách nhiệm, để khi có vấn đề gì thì đã có nơi để “đổ” chung cùng chịu?
Trở lại với việc trưng bày mẫu tàu lần này, thử hỏi, nếu người dân quá “chê” toa tàu mẫu này thì có được đổi sang một mẫu khác, của hãng sản xuất khác hay không? Hay Ban quản lý đã đặt người dân vào một cái sự đã rồi? Nếu như vậy thì việc trưng bày, lấy ý kiến chỉ là hình thức màu mè không cần thiết.
Dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội là công trình lớn, từng có nhiều “lùm xùm” vì trong quá trình thi công đã ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân. Hồi đầu năm, nhiều người nghi ngại về chất lượng đường sắt, cụ thể là con đường “ngoằn ngèo” như rắn. Trước lo ngại này, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định chỉ khi nào dự án đường sắt trên cao hoàn thiện, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế mới đưa vào khai thác.
Một con đường mang tiêu chuẩn quốc tế thì phương tiện chạy trên cũng phải mang tiêu chuẩn tương ứng. Vậy Ban quản lý dự án có cam kết toàn bộ công trình này đạt chuẩn quốc tế để người dân yên tâm giao tính mạng của mình cho họ khi tham gia giao thông?
Hà Nội nói riêng và đất nước ta nói chung có bao nhiêu thứ cần lấy ý kiến nhân dân, ví dụ như dự án thay thế cây xanh, thì lại không làm, trong khi một việc cần tính chuyên môn cao lại đưa ra lấy ý kiến người dân. Liệu có phải là quá máy móc sau sự cố cây xanh Hà Nội?
Vài ba ý kiến đóng góp của dân về mẫu mã, chỗ ngồi trên tàu không phải là điểm mấu chốt. Nếu Ban quản lý thực sự có thiện chí công khai, minh bạch thì từ khâu chọn lựa nhà đầu tư đã có thể lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, của những người dân có kinh nghiệm trong lĩnh vực này chứ không phải chỉ đưa "toa tàu mẫu" ra khen, chê một cách hình thức như vậy./.