Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) dự kiến, từ ngày 20/10 tới đây sẽ tiến hành trưng bày mô hình mẫu tàu điện sẽ được sử dụng trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thời gian trưng bày mẫu tàu này sẽ kéo dài trong 3 tháng (từ ngày 20/10/2015 – 20/1/2016) tại Trung tâm Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội).

Mô hình mẫu tàu điện được trưng bày có tỷ lệ mô phỏng 1/1 so với đoàn tàu thật. Tàu mẫu có màu xanh lá cây, vỏ tàu được làm bằng inox 3M gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ do Công ty TNHH trang thiết bị tầu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) sản xuất.

Về hình dáng kết cấu, nội và ngoại thất của mẫu tàu sẽ không khác nhiều so với tàu thật. Trong quá trình trưng bày, Ban Quản lý dự án Đường sắt sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhân dân, cập nhật các chi tiết thiết kế, làm cơ sở để chế tạo hoàn thiện đoàn tàu thật, khi đưa vào khai thác sẽ phù hợp về Chứng nhận an toàn hệ thông đường sắt đô thị.

taumau2_sryr_tonm.jpg
Mô hình mẫu tàu điện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: BQLDA Đường sắt)

Theo hợp đồng đã ký kết với phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chi phí mua tàu lên đến hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ GTVT thẩm định. 

13 đoàn tàu trên tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc khai thác bình quân là 35km/h.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 Nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông. 

Dự án sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu EPC./.