Mới đây, UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã ra quyết định giải thể Hợp tác xã sản xuất rau an toàn (HTXRAT) Trảng Dài thuộc phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Điều đáng nói, đây là hợp tác xã đầu tiên của Đồng Nai được công nhận đạt chuẩn sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cuối năm 2011, HTXRAT Trảng Dài chính thức được Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp giấy chứng nhận VietGAP (quy trình sản xuất rau, quả tươi an toàn). Đây là mô hình sản xuất rau an toàn đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

images901694_12_rau.jpg
Người trồng rau ở Trảng Dài lại quay về canh tác theo kiểu cũ. (Ảnh: K.Thiết)

Ban đầu, HTXRAT Trảng Dài có 7 hộ tham gia, hộ nào cũng háo hức thực hiện đúng quy trình trồng rau an toàn. Sau đó, số hộ gia nhập hợp tác xã tăng lên 15 xã viên, canh tác gần 5 ha rau sạch. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, hàng tấn rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được đưa ra bán trôi nổi trên thị trường.

Nguyên nhân là do thời gian chứng nhận VietGAP chỉ có hiệu lực 1 năm, trong khi chi phí cho một lần làm thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn là trên 70 triệu đồng, vì vậy các xã viên không mặn mà với hình thức sản xuất này nữa. Đáng kể hơn của việc giải thể hợp tác xã là do sản phẩm rau sản xuất đã không có đầu ra.

Bà Trần Thị Chung, Quyền chủ tịch UBND phường Trảng Dài, TP Biên Hòa cho biết, HTXRAT Trảng Dài chưa chủ động tìm được đầu ra cho sản phẩm. Hơn nữa, Ban chủ nhiệm chưa làm tròn trách nhiệm của mình khi chưa thực sự quan tâm đến xã viên và tìm kiếm thị trường chung, để xã viên tự sản xuất và phải tự tìm kiếm thị trường nên hoạt động của HTX không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đã có thời gian HTXRAT Trảng Dài được đánh giá là mô hình mới, cần được nhân rộng của tỉnh Đồng Nai. Để được chứng nhận là Hợp tác xã thực hiện đúng quy trình VietGAP, các xã viên đã phải từng bước mày mò, áp dụng các tiêu chí về sản xuất rau tươi, rau an toàn ròng rã trong 7 năm trời, sau đó mới được cấp chứng chỉ. 

Năm 2011, khi mới áp dụng mô hình VietGAP, HTXRAT Trảng Dài có doanh thu mỗi tháng khoảng 75 triệu đồng, chia bình quân thu nhập xã viên đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Thời kỳ đó, sản lượng rau không đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước cách làm ăn khá hấp dẫn này, Trung tâm khuyến nông Đồng Nai đã hỗ trợ HTXRAT Trảng Dài đầu tư hơn 32 triệu đồng xây dựng 14 mô hình nhà lưới, 3 hệ thống phun nước tự động từ giếng khoan; Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai hỗ trợ 2 mô hình sử dụng thuốc vi sinh trên cây rau an toàn... nhưng đáng tiếc, do không tìm được hướng đi phù hợp, sản phẩm của HTXRAT đã không trụ vững được trên thị trường.

Ông Đào Tiến Chương, nguyên Phó chủ nhiệm HTXRAT Trảng Dài, cho biết, từ khi giải tán HTX cũng như không còn chứng nhận VietGAP, người nông dân đã bày tỏ sự thất vọng vì đã bỏ nhiều thời gian dày công xây dựng được 1 HTX và một chương trình VietGAP thành công nhưng đã không đạt hiệu quả lâu dài.

Trước thực trạng HTX không còn hoạt động tập thể với mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, người nông dân đã lại quay về cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ; thậm chí mạnh ai nấy làm và rất khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên cây rau.

Anh Phạm Văn Nhẫn, nguyên xã viên HTXRAT Trảng Dài chia sẻ, việc quay trở lại cung cách sản xuất cá thể, mạnh ai người ầy làm, cách chăm bón cũng mỗi người 1 kiểu đã khiến chất lượng sản phẩm giảm sút, kéo theo thị trường có nhiều thay đổi và xáo trộn.

Để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thiết nghĩ đã đến lúc các ngành liên quan của tỉnh Đồng Nai không chỉ hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật mà cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể và thiết thực đối với người nông dân trong việc tiếp cận thị trường uy tín, ổn định và lâu dài. Có như vậy mới có thể thúc đẩy được việc phát triển nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững./.