Việc sản xuất trái cây đảm bảo sạch bệnh, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khiến liên tục trong những tháng gần đây, nhiều nhà vườn ở ĐBSCL không còn hàng để cung ứng cho các đơn đặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là dịp gần Tết Nguyên đán.
Nhiều loại trái cây ngon của Việt Nam như: bưởi Năm Roi, thanh long, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo sạch bệnh, an toàn nên được các nhà nhập khẩu đặt hàng ngày càng nhiều; trong có những thị trường khó tính như: Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Canada…
Thời điểm cuối năm này, nhiều nhà vườn, hợp tác xã chuyên canh đặc sản trái cây ngon như Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp); vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang); bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long)… rất đắt hàng, giá cả lại cao hơn năm ngoái nên người trồng rất phấn khởi. Đơn đặt hàng có cả trong nước và nước ngoài, nhưng năm nay nhiều nhà vườn không có đủ hàng để cung cấp.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, sau khi xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, có rất nhiều đối tác ở các nơi liên tục liên hệ để đặt hàng. Tuy nhiên, do không đủ nguồn để cung cấp nên Hợp tác xã không dám ký hợp đồng.
“Theo hợp đồng hàng năm đối với các bạn hàng cũ, HTX sản xuất bao nhiêu bạn hàng ký bao tiêu hết. Năm nay, số lượng quả đỡ hơn mọi năm chủ yếu là cung cấp cho thị trường trong nước. Đối với thị trường nước ngoài, HTX xuất cho một số đối tác ổn định lâu dài như Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện tại quả xoài vẫn còn rất nhỏ nhưng giá đã là 50.000 đồng/kg” - ông Nguyễn Thành Nhơn nói.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 780.000 ha cây ăn trái, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khoảng 300 triệu đến 350 triệu USD. Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, nước ta là nước nhiệt đới nên trái cây mùa nào cũng có, lại đa dạng về chủng loại, nhiều loại ngon, có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, do hiện nay người dân sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa ổn định… dẫn đến tính cạnh tranh thấp. Công nghệ đóng gói, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…
Ngoài ra, việc liên kết giữa nông dân với nông dân trong sản xuất và nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ. Bên cạnh đó việc áp dụng GlobalGAP và VietGAP, nông dân phải tuân thủ hơn 250 tiêu chí và trả chi phí chứng nhận khá cao (khoảng 3.000 USD - 5.000 USD/mô hình, tùy diện tích…) khiến người dân chưa mặn mà với mô hình này. Đây là một trong những lý do khiến nguồn cung không đảm bảo.
Thực tế cho thấy, trồng cây theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng. Để đảm bảo nguồn cung ổn định và nâng cao giá trị, cũng như thương hiệu cho mặt hàng trái cây Việt Nam, nhiều địa phương đang xây dựng kế hoạch trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ở Long An cũng đang xây dựng vùng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây, bà con trồng thanh long giữa tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn thường giá chênh lệnh không bao nhiêu. Khi thực hiện trồng cây theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình cũng chưa được nhân rộng nhiều. Nếu có doanh nghiệp đầu tư đảm bảo bao tiêu theo đúng chương trình Vietgap người dân mới thực sự yên tâm./.