Theo đó, 90% các nhà điều hành kinh doanh Mỹ tham gia vào chiến lược phát triển kinh doanh và doanh nghiệp cho biết việc kinh doanh của họ tại các thị trường tăng nhanh và mới nổi (HGEM) rất thuận lợi. Điều này thể hiện qua doanh thu trong năm qua tăng lên tại các thị trường này và kỳ vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Ngoài các nước trong khối BRIC (gồm Brasil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), Chile, Philippines, Argentina, Indonesia và Việt Nam là các nước giành được sự quan tâm lớn của các nhà điều hành doanh nghiệp trong năm qua. Số công ty có kế hoạch đầu tư trên 5 triệu USD vào Việt Nam trong 12 tháng tới tăng từ 7% lên 9%.
Hầu hết các nhà điều hành cho biết họ có kế hoạch đầu tư trên 5 triệu USD vào các nước tăng trưởng cao trong 12 tháng tới. Họ cũng sẽ tăng mức chi tiêu vốn vào các thị trường đó. Khoảng 65% số khoản đầu tư sẽ nhắm đến các hoạt động tăng trưởng cao với 37% sẽ “chảy” vào các nước HGEM.
GDP tại các nước HGEM đang tăng trưởng thấp giống như phần còn lại của thế giới. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ sự phục hồi chậm chạp tại các nước phát triển sau suy thoái kinh tế. Ngoài ra, một số nước mà rõ nhất là Trung Quốc đang chủ động hãm tốc độ tăng trưởng để giảm sức ép lạm phát.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà điều hành cho rằng tăng trưởng kinh tế của các nước HGEM được đánh giá sẽ gấp từ 3 tới 4 lần những nước phát triển trong những năm tới. Do đó, các khoản đầu tư vào những nước HGEM cần được đánh giá kỹ càng và dài hạn để tận dụng sự tăng trưởng nhanh của các nước này trong tương lai.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch và Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam nói rằng: “Kết quả khảo sát của KPMG thực sự phản ánh được thực tế mà chúng ta đang thấy và những gì mà tôi nghe được từ các khách hàng, và đó là sự phục hồi lại lòng tin của các nhà đầu tư, một tín hiệu tuyệt vời trong dài hạn cho các nước là thị trường mới nổi tăng trưởng cao, và đặc biệt là ngay tại Việt Nam.
Báo cáo này cho thấy dù các nước HGEM có tiềm năng cao, các nhà đầu tư phải đối mặt với những thách thức và rủi ro đầy khó khăn và phức tạp trong việc gia nhập thị trường và duy trì tăng trưởng. Nhiều nhà điều hành cho rằng văn hóa ngôn ngữ, cơ sở hạ tầng và vai trò của Chính phủ là những quan ngại của họ khi đầu tư vào những thị trường này./.