Sau hơn 3 năm rưỡi chăm sóc, ông Huỳnh Văn Thủ (ở ấp Phú Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đã có vụ thu hoạch đầu tiên từ vườn bưởi của gia đình. Trước đây, gia đình ông Thủ cũng trồng mía, nhưng giá mía bấp bênh, sản xuất không có lời, nên ông đã chuyển sang đầu tư trồng bưởi da xanh. Gần 400 gốc bưởi trồng trên 10 công đất với phân nửa cây đang cho trái ở giai đoạn thu hoạch. Ông Thủ phấn khởi tâm sự, so sánh về giá trị kinh tế, cây bưởi cho cao gấp nhiều lần cây mía, thị trường cũng ổn định hơn. Ngoài trồng bưởi, ông Thủ còn tranh thủ trồng xen gần 300 gốc ổi, cho thu nhập mỗi tháng cũng đạt hơn 6 triệu đồng.
“Tôi trồng mía đến nay cũng hai mươi mấy năm. Sau này đất cũng thoái hóa, mía cũng không có giá nên tôi chuyển sang trồng bưởi. Cây bưởi nhà tôi sau 3-4 năm lên như vậy coi như là thành công. Cây này thì tôi mới để 10 trái trở lại, trái nhỏ nhất trọng lượng cũng 1,4kg, còn trái lớn thì trên 2kg. Nếu tôi để thế này thì một cây cho khoảng 20kg và thu hoạch từ nay tới tết. Đến tết bán có thể sẽ có giá hơn”, ông Thủ nói.
Trong những năm qua, thị trường cây mía không ổn định, cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của huyện Cù Lao Dung.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, sau 6 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đã chuyển hàng ngàn hecta đất sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế hơn. Từ đó, giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng chuyển biến tích cực, một số mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng nhãn, bưởi, xoài… và các loài thủy sản, đưa giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản trên 1 hecta đạt 152 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng/hecta so với năm ngoái. Trong năm nay, huyện cũng đã chuyển đổi 514 hecta đất mía sang trồng cây ăn trái, rau màu và nuôi thủy sản.
“Việc chuyển đổi của huyện, chuyển đổi mạnh là sau trận hạn mặn năm 2015 - 2016. Đến năm 2020, huyện chuyển đổi trên dưới 3.000 hecta mía. Việc chuyển đổi tập trung chủ yếu là cây ăn trái. Qua đánh giá, các vườn cây ăn trái đã chuyển đổi từ những năm 2016, 2017, 2018 tới giờ phát triển rất tốt”, ông Nguyễn Văn Đắc cho biết.
Theo báo cáo của UBND thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, trong nhiều năm qua, mỗi vụ địa phương luôn có khoảng 18.000 hecta diện tích đất sản xuất lúa, trong đó, có đến 65% diện tích sử dụng giống lúa đặc sản, cao sản và trên 55% diện tích sản xuất được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu nên giúp ổn định đầu ra sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận, tạo sự an tâm cho người dân trong sản xuất. Riêng vụ lúa đông xuân 2020 – 2021, nông dân Ngã Năm sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm lên hơn 80%, trong đó, giống chủ lực là ST24.
Ông Nguyễn Văn Nhanh, Trưởng Ban nhân dân khóm Tân Trung, Phường 2, thị xã Ngã Năm cho biết, giống lúa ST24 đã khẳng định được hiệu quả kinh tế trong nhiều vụ vừa qua, vì vậy, trong 291 hecta đất sản xuất lúa của khóm thì đã có gần 95% diện tích được bà con trồng loại giống này.
“Toàn khóm chỉ chọn một giống là ST24. Giống này bà con đã làm mấy vụ rồi nên cũng hiểu được đặc tính như: ít sâu bệnh, dễ làm nên lợi nhuận đem lại khá cao. Vả lại, được doanh nghiệp uy tín bao tiêu với giá từ 6.000 – 6.300 đồng/kg lúa tươi tại ruộng nên nông dân yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Văn Nhanh cho hay.
Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng xác định các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh gồm cây lúa, hành tím Vĩnh Châu, cây ăn trái, bò thịt, bò sữa, gia cầm, tôm nước lợ, tôm càng xanh, Artimia làm cơ sở tập trung ưu tiên đầu tư phát triển. Theo đó, đối với cây lúa, Sóc Trăng tập trung thúc đẩy sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đặc biệt nhóm giống lúa ST. Nếu tổng diện tích gieo trồng cả năm 2020 đạt khoảng 338.000 hecta thì đã có gần 180.000 hecta diện tích sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm các loại. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2017-2020, có hơn 20.000 hecta đất lúa và hơn 2.700 hecta đất mía được các địa phương chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa cho giá trị kinh tế hơn.
Tại các vùng cây ăn trái như bưởi, vú sữa, mãng cầu gai, nhãn... ngày càng phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ước đến cuối năm nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng là 32.000 hecta, nhiều diện tích được trồng theo hướng VietGAP. Ngoài ra, năm nay, tỉnh đã hỗ trợ tổ chức lại sản xuất với 19 mô hình, xây dựng 10 vùng trồng được cấp 36 mã code với diện tích hơn 320 hecta và 350 hộ. Nhiều sản phẩm được hỗ trợ liên kết xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ như: vú sữa, xoài, bưởi, nhãn...
“Ngành nông nghiệp cũng đã quyết liệt cùng với các địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của bà con nông dân. Trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì đã đạt nhiều rất nhiều kết quả tích cực trong nhiệm kỳ qua. Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng, chuỗi liên kết sản xuất được hình thành. Những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng sạch được phát triển để làm sao sản phẩm nông nghiệp của Sóc Trăng tăng được tính cạnh tranh, nâng cao giá trị nông sản của địa phương mình”, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm.
Để tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực. Tỉnh sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để xây dựng và phát triển vùng sản xuất với quy mô lớn thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng…./.