Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa là động lực, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Tại ĐBSCL, vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước, sự cố gắng vượt qua thách thức đang là mối quan tâm lớn nhất hiện nay.

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Marketing, thời cơ của các doanh nghiệp ĐBSCL trong bối cảnh Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN là có thể tham gia vào thị trường khu vực và thế giới, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu; đồng thời có cơ hội đầu tư trực tiếp và các quốc gia trong khu vực một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những thách thức rất lớn khi hiện quy mô doanh nghiệp ở khu vực này cũng chưa tương xứng với tiềm năng.

2c_wtpy.jpg
Sản phẩm từ gạo của ĐBSCL phần lớn chỉ có nhãn hiệu chứ chưa xây dựng được thương hiệu..

PGS.TS. Phạm Hữu Hồng Thái phân tích: “Thách thức lớn nhất là sẽ đón nhận những luồn đầu tư mới. Đầu tư gián tiếp và trực tiếp. Nước ngoài sẽ đưa vào trong nước một nguồn vốn rất dồi dào. Rồi về công nghệ rất hiện đại. Nguồn nhân lực chất lượng cao. So sánh tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam với tiềm lực của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia trên thế giới ra sao. Đây là thách thức”.

Thống kê cho thấy hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 51.000 doanh nghiệp. Trong đó 95% số doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ. Đặc biệt là năng lực tài chính của doanh nghiệp khu vực này còn hạn chế; trình độ công nghệ chưa có sự cải thiện đáng kể. Vốn đầu tư nước ngoài tại đây cũng chỉ bằng 5% cả nước. Chính vì thế, không chỉ mục tiêu tham gia hội nhập, mở rộng kinh doanh, xuất khẩu mà đồng thời với đó, nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước gắn với yêu cầu chất lượng cũng là đòi hỏi hiện nay.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết: “Việc có thể thúc đẩy được tiêu thụ hàng sản xuất trong nước phải được tác động từ hai phía. Người tiêu dùng chịu móc túi ra. Nhưng chỉ móc tiền ra khi hài lòng đối với những sản phẩm làm tốt. Nếu không có những nỗ lực đặc biệt thì sẽ rất khó”.

Tham gia sâu, rộng vào thị trường khu vực và thế giới, một trong những vấn đề tiên quyết đặt ra là doanh nghiệp ĐBSCL cần quan tâm tái cơ cấu lại doanh nghiệp và hướng nhiều đến khách hàng để phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt là quyết liệt nâng cao khả năng hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư mở rộng quy mô doanh nghiệp hoặc tăng cường liên kết với doanh nghiệp cùng ngành hàng.

Ông Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang phân tích, vấn đề đặt ra là phải tạo ra chiến lược mới, sản xuất theo chuỗi và kéo doanh nghiệp vào chuỗi này. Bởi bản thân nông dân không thể giải quyết vấn đề công nghệ mà phải là sự "tiên phong" của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp gắn với nông nghiệp, gắn với chuỗi sản xuất.

Theo ông Điệp, trong hội nhập, kinh tế hộ nhỏ lẻ là nguyên nhân chính của việc được mùa mất giá, rối trong sản xuất. Mình cũng phải xác định lại phương châm nền tảng là tổ chức lại sản xuất. Từ đó mới đầu tư được công nghệ cao. Phải lấy thị trường làm tiền đề cho sự phát triển trước, trong và sau khi sản xuất. Do vậy, chỉ có doanh nghiệp, HTX mới lo được đầu vào và đầu ra của thị trường, nhất là vai trò doanh nghiệp.

Tiến trình hội nhập, nhất là bối cảnh Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN thật sự có những cơ hội và thách thức đan xen đối với doanh nghiệp. Lĩnh vực kinh doanh, sản xuất nông nghiệp phục vụ xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước đứng trước tình trạng không còn chỗ để lùi. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải được đào tạo có bài bản; ưu đãi vốn sản xuất hàng có thương hiệu do thị trường đòi hỏi. Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có thế mạnh của ĐBSCL cần phải gấp rút tái cơ cấu quyết liệt. Vai trò của nhà nước từ trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này./.