Tại TPHCM những ngày cận Tết Nguyên đán, các mặt hàng thực phẩm đặc sản tiêu thụ tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Khi nhu cầu tăng cao thì kèm với đó là nỗi lo về chất lượng sản phẩm vì hiện nay vẫn còn nhiều cửa hàng bày bán một số đặc sản không nhãn mác xen lẫn với hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

1_vov_gtgh.jpg
Sản phẩm không nhãn mác tại cửa hàng bán thực phẩm đặc sản Bắc ở đường Điện Biên Phủ, Q1.

Tại một cửa hàng các loại đặc sản nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 15, Quận 10, khi phóng viên đặt câu hỏi về xuất xứ nguồn gốc của các loại đặc sản này, người bán hàng trả lời chỉ có nhãn mác của cửa hàng.

Theo lý giải của người bán hàng, vì đặc sản làm thủ công, cơ sở nhỏ nên không có nhãn mác. Ghi nhận của phóng viên vào ngày 23/1 cho thấy, ngoài đặc sản miền Tây thì cửa hàng này cũng bày bán đặc sản nhập từ Campuchia, như khô cá tra biển Hồ, khô nhái, khô bò, trâu gác bếp…và hầu như không ghi nhãn mác. Giá các loại đặc sản này từ 400 ngàn đến trên 800 ngàn đồng/kg.

Không chỉ ở cửa hàng này, theo tìm hiểu của phóng viên, một số cửa hàng bán đặc sản miền Tây có kèm sản phẩm của Campuchia mà không có phụ đề tiếng Việt để giải thích khiến người mua không biết đâu mà lần. Các loại đặc sản này còn được tìm thấy tại một số chợ như: Thị Nghè, (quận Bình Thạnh), chợ Bình Tây (quận 6) chợ Tân Định (quận 1). Các tiểu thương ở đây thường trưng bày một ít, còn lại để trong túi nilong lớn khi khách mua mới lấy ra. Nhãn mác, thời hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm không rõ ràng nhưng nhiều khách hàng vẫn nhắm mắt làm liều vì thấy…ngon và bắt mắt.

Chị Nguyễn Thị Oanh – một khách hàng mua hàng đặc sản Campuchia cho biết: “Tết này tôi cũng mua đặc sản của Campuchia nhiều lắm như khô cá, khô trâu, bò, một số thì có nhãn mác, một số thì không. Một số thì tiếng Campuchia, một số không có nhãn mác gì hết, thấy ngon và bắt mắt thì mua thôi”.

Các loại khô bò, gà không nhãn mác xen lẫn nhãn mác.

Thực phẩm đặc sản không chỉ được bày bán ở các cửa hàng, bày bán ở các khu chợ truyền thống mà còn bán công khai trên mạng. Người mua dễ dàng tìm thực phẩm đặc sản trên các kênh bán hàng online. Người bán hàng online giao hàng tận nơi, nhưng chất lượng thì…có trời mới biết. Với loại hình kinh doanh này, Tết năm nay, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Họ lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Mình tập trung kiểm tra xử lý quyết liệt cái này, mình lần ra các kho chứa hàng, các cửa hàng thực tế để kiểm tra xử lý”.

Có thể thấy, đời sống người dân đang ngày càng được nâng cao, họ có thể bỏ ra số tiền gấp 2-3 lần ngày thường để có thể mua được món ăn đặc sản phục vụ gia đình ngày Tết. "Đắt xắt ra miếng", nhưng với sự lẫn lộn thật giả trong kinh doanh hiện nay thì nhiều người không chỉ mất tiền mà có khi còn rước thêm bệnh vào người. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, thì mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh./.