vov_tre_3__boil.jpg
Ngày lễ tình nhân 14/2 song hành với dịp Tết Nguyên Đán nên nhu cầu sử dụng sản phẩm mây tre đan đặc biệt là giỏ hoa, giỏ quà... tăng đột biến, trong đó chủ yếu là giỏ hoa, lẵng quà đi Tết.
Những ngày cuối cùng trước Tết Nguyên Đán 2018, công việc kinh doanh giỏ mây tre đan tại thôn Yên Kiện (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) đang hối hả, chạy đua với thời gian để trả hết đơn hàng cuối cùng trong năm.
Huyện Chương Mỹ- Hà Nội, từ lâu vốn đã tập trung rất nhiều làng nghề làm mây tre đan nổi tiếng. Có mặt tại Thôn Yên Kiện, Xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, phóng viên VOV.VN nhận thấy bên cạnh những chiếc chụp đèn, lồng bàn, giỏ hoa, giỏ câu… thời gian này đang là “mùa” của những chiếc giỏ quà Tết.
Tại một cơ sở mây tre đan đang làm giỏ quà Tết tại xã Đông Phương Yên , bà Đỗ Thị Vòng cho biết:“Đầu năm chúng tôi sản xuất đồ xuất khẩu, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch trở đi người dân ở đây chuyển hẳn sang làm giỏ quà Tết. Cho tới bây giờ mọi người đang hối hả sản xuất cả ngày lẫn đêm để hoàn thành các đơn hàng cuối cùng đến tay khách hàng sử dụng trong dịp Tết”.
 “Giỏ quà Tết mây tre đan tại đây được xuất bán đi các nơi, trong đó TP Hồ Chí Minh là thị trường mua giỏ quà Tết với số lượng lớn hơn cả. Số lượng đơn hàng Tết rất lớn nên số công nhân được huy động để đan giỏ đã lên tới hơn chục người, mỗi ngày cơ sở làm ít nhất là 400 hàng đến 500 sản phẩm. Ước tính đến nay, chỉ riêng cơ sở này đã làm được khoảng 6 chục nghìn đến 7 chục nghìn chiếc giỏ quà”, bà Vòng cho biết thêm.
Những chiếc giỏ quà được đan thủ công bằng tay khá đẹp và đều nhau, mẫu mã cũng khá đa dạng, có nhiều loại nhưng chủ yếu là loại màu và loại trơn. 
Theo giá bán buôn mỗi chiếc giỏ có giá tại nhà vào khoảng từ 15.000đ-17.000đ/chiếc tùy loại. Đối với giá bán lẻ có phần đắt hơn một chút, khoảng từ 19.000 đến 20.000 tùy từng thời điểm cụ thể.
Một số người dân trong vùng chia sẻ, những chiếc giỏ quà Tết này cho lãi khoảng 300đ-1000đ/chiếc, tuy lãi không nhiều nhưng đây là công việc tương đối ổn định và đã thu hút một lượng khách quen nhất định hàng năm quay lại đặt hàng, ngoài lượng khách hàng quen thì những khách hàng mới cũng đặt hàng khá nhiều.
Nguyên liệu chủ yếu là nứa và giang để đan giỏ được nhập từ Tây Bắc như Sơn La, Yên Bái.
Theo chia sẻ của một số người dân, công việc đan lát hàng mây tre tuy không nặng nhọc nhưng cần sự tỉ mỉ, khéo léo, kỹ thuật và kinh nghiệm. Qua khảo sát, số lượng lớn đơn hàng giỏ quà trong đợt Tết này đã thu hút rất nhiều nhân lực tham gia, trong đó không chỉ những người trẻ mà các cụ có thâm niêm trong nghề cũng tranh thủ đan phụ giúp.
Cụ Lê Thị Gái và cụ Đỗ Thị Chung (Thôn Yên Kiện, Xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, từ sáng tới đầu giờ chiều mỗi người đã làm được khoảng 50 đến 80 chiếc giỏ quà Tết. Công việc đồng áng đang trong thời gian tương nhàn rỗi nên mọi người tập trung vào hoàn thành các đơn hàng giỏ quà dịp Tết Nguyên Đán.
Theo bà Vòng chủ 1 cơ sở sản xuất: "Tiêu chuẩn của một chiếc giỏ hàng là phải đẹp, chắc chắn, đúng kích thước và không mốc. Đến thời điểm này đang cháy cả hàng và cả nguyên liệu vì vậy chúng tôi chỉ làm nốt những đơn hàng đã ký hẹn trước thôi".
Chia sẻ về những khó khăn và cũng là kinh nghiệm chống mốc, anh Đỗ Huy Anh là một thợ trong làng cho biết: “Vào những ngày nồm ẩm hoặc mưa gió, đồ đan bằng mây tre có thể sẽ bị mốc, cần người làm nghề có sự chăm sóc cẩn thận và xử lý kịp thời. Người dân thường giữ khô hàng và xử lý bằng cách hun diêm sinh chống mốc, hoặc có thể được chống mốc bằng cách nhuộm màu”.
Mỗi người một việc tất bật đan những chiếc giỏ quà Tết để trả đơn hàng cho khách.
Nan được trau chuốt kĩ càng trước khi đan.
Những chiếc giỏ đang được hoàn thiện những bước cuối cùng trước khi chuyển đến kệ hàng bán cho người tiêu dùng trong dịp lễ tình nhân và Tết Nguyên Đán.