Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy 5 tháng 2015, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 18,83 tỷ USD, giảm 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44,37 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Nếu không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,83 tỷ USD, tăng 18,1%.
Trong số những nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng phải kể đến nhóm hàng công nghiệp chế biến. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm này ước đạt 49,27 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Đa số các mặt hàng trong nhóm có kim ngạch tăng trưởng dương, trừ một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 14,3%; sắt thép ước giảm 15,3%; phân bón ước giảm 22,6%; clanke và xi măng ước giảm 21,7%.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong 5 tháng đầu năm: Điện thoại và linh kiện ước 11,8 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ; hàng dệt và may mặc ước 8,11 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước 6,02 tỷ USD, tăng 59,7%; giày, dép các loại ước 4,63 tỷ USD, tăng 19,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước 3,14 tỷ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ ước 2,58 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
5 tháng hàng dệt và may mặc ước 8,11 tỷ USD, tăng 8,7% |
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành Dệt May Việt Nam vẫn đang gia tăng, nhằm đón đầu các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc… mà ngành Dệt may Việt Nam được nhận định sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%.
Đơn hàng sản xuất quý II/2015 của doanh nghiệp ngành Dệt may rất khả quan, có gần 62% doanh nghiệp sản xuất trang phục có đơn hàng tăng so với quý đầu năm.
Cùng với ngành Dệt may, Da giầy là một trong những ngành được dự báo là đón nhận được nhiều lợi thế khi các FTA có hiệu lực.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê , có 55,7% doanh nghiệp ngành Da giầy có đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý II năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 5 tháng ước đạt 4,6 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng nông sản, thủy sản tuy tăng có kim ngạch tăng 0,3 trong tháng 5 nhưng tính chung 5 tháng lại giảm 9,5% so với cùng kỳ, ước đạt 8,14 tỷ USD.
Các mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ là sắn và các sản phẩm từ sắn ước tăng 47,5%, nhân điều tăng 25,6%, rau quả tăng 17,8%. Các mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ là thủy sản ước đạt 2,44 tỷ USD, giảm 16,1%; cà phê ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 38,2%; gạo ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 10,7% và cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%.
Lượng xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch cả nhóm (trừ thủy sản, rau quả do không thống kê lượng). Tính chung 5 tháng đầu năm,
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 53%.
Quặng và khoáng sản khác là mặt hàng duy nhất trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ (tăng 21%) do giá xuất khẩu tăng 55,1% đã bù đắp lại mức giảm 22% về lượng xuất khẩu.
Giá xuất khẩu giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu xăng dầu và dầu thô giảm, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu than đá giảm do lượng xuất khẩu giảm 77,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 581 triệu USD, trong khi giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch cả nhóm 1,67 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, 5 tháng xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 117,6% và chiếm tỷ trọng 20,1%; xuất khẩu vào EU tăng 8,6% và chiếm tỷ trọng 18,7%; xuất khẩu vào ASEAN giảm 3,7% và chiếm tỷ trọng 12,1%; xuất khẩu vào Nhật Bản giảm 6% và chiếm tỷ trọng 8,9%; xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 1,2% và chiếm tỷ trọng 9,7%./.