Tình trạng hỗn loạn kinh tế do đại dịch gây ra đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, cuộc khủng hoảng này đã tạo ra một cái nhìn mới về mạng lưới cung ứng và tạo sức ép để lấp chỗ trống, hàn gắn các "vết nứt" trên chuỗi cung ứng.

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là điều không tránh khỏi. Đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, gián đoạn, bộc lộ những điểm yếu ở một số mắt xích, và đây cũng chính là cơ hội để một số nền kinh tế tiềm năng chứng tỏ khả năng, lợi thế cho mình nhằm thay thế các mắt xích "ốm yếu". Đã đến lúc cần áp dụng một tầm nhìn mới phù hợp với thực tế của kỷ nguyên mới, vừa thúc đẩy các chuỗi liên kết nhưng cũng vừa cải thiện tính chủ động, khả năng phục hồi và giảm rủi ro từ những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai.

Trang Harvard Business Review phân tích, khi Covid-19 lắng xuống, chuỗi cung ứng thế giới sẽ thay đổi. Cú sốc nguồn cung bắt đầu ở Trung Quốc trong thời kì đầu của đại dịch và cú sốc nhu cầu sau đó khi nền kinh tế toàn cầu đóng cửa đã bộc lộ những lỗ hổng trong chiến lược sản xuất và chuỗi cung ứng của các công ty ở khắp các quốc gia. Các hạn chế thương mại tạm thời và tình trạng thiếu hụt dược phẩm, vật tư y tế quan trọng và các sản phẩm khác đã cho thấy những điểm yếu của chuỗi cung ứng. Hậu quả là các nhà sản xuất trên toàn thế giới phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn để tăng sản lượng trong nước, tăng việc làm ở nước họ, giảm hoặc thậm chí loại bỏ sự phụ thuộc của họ vào các nguồn được coi là rủi ro, đồng thời tính toán lại việc sử dụng chiến lược sản xuất tinh gọn liên quan đến việc giảm thiểu lượng hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ tiếp tục muốn giá thấp (đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái) và các công ty sẽ không thể tính phí nhiều hơn chỉ vì họ sản xuất tại các thị trường nội địa có chi phí cao hơn. Ngoài ra, áp lực vận hành hiệu quả, sử dụng vốn và năng lực sản xuất tiết kiệm sẽ vẫn là một bài toán khó. Thách thức đối với các công ty là làm cho chuỗi cung ứng của họ linh hoạt hơn mà không làm suy yếu khả năng cạnh tranh.

Để hạn chế tác động tiêu cực khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải xác định được các rủi ro trong chuỗi cung ứng của mình và tìm cách giải quyết bằng cách đa dạng hóa các nguồn hoặc dự trữ các nguyên liệu hoặc mặt hàng quan trọng. Cần phân loại các nhà cung cấp là rủi ro thấp, trung bình hoặc cao và tìm các nguồn thay thế. Điều quan trọng nữa là phải xác định xem công ty của bạn có thể vượt qua cú sốc nguồn cung mà không ngừng hoạt động trong bao lâu và mất bao lâu để phục hồi khi tìm được nguồn thay thế trong bối cảnh toàn bộ ngành phải đối mặt với sự thiếu hụt liên quan đến gián đoạn nguồn cung.

Khác với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có triển vọng kinh tế tích cực. Điều này đã tạo cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo nhận định của trang Tech Wire Asia, không giống như những nơi khác trên thế giới, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là điểm sáng châu Á. Sự gần gũi địa lý của Việt Nam với Trung Quốc là một trong những lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn và duy trì kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, chi phí thấp, ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp. Những yếu tố đó khiến Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, trang Tech Wire Asia cho rằng, là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được phê chuẩn là những yếu tố tích cực giúp cho các doanh nghiệp chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình.

Trong những năm gần đây, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển một số chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam, nơi được đánh giá là có nguồn lao động rẻ hơn và cơ sở hạ tầng tương đối đủ. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tầm cớ lớn như Apple, Samsung, Foxconn, Pegatron,... xem Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn.

Mặc dù không tránh khỏi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tích cực và là điểm sáng nhất trong số các nước châu Á./.