Vùng duyên hải miền Trung có vị trí địa lý và tiềm năng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của quốc gia. Trong định hướng phát triển của mỗi địa phương và trong mối liên kết phát triển Vùng, các tỉnh duyên hải miền Trung đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung được tổ chức trung tuần tháng 8 vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, nhiều chuyên gia kinh tế đã gợi mở một số giải pháp tăng cường liên kết Vùng và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung. Theo đó, trong lộ trình từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thực hiện chiến lược kinh tế biển ở vùng duyên hải miền Trung cần tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính: Ngư nghiệp (gồm đánh bắt và chế biến hải sản); Du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa lịch sử) và Khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về cảng biển).

ha_noi_43_ldlg.jpg
Các tỉnh duyên hải miền Trung đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Để lợi thế đó biến thành hiện thực, có hai vấn đề mà miền Trung phải xem xét, nghiên cứu, nhìn nhận một cách đầy đủ và nghiêm túc những lợi thế so sánh vùng biển của khu vực so với những vùng biển khác trong nước... Và phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh, quốc phòng. Miền Trung phải làm thế nào để hài hoà hiệu quả kinh tế với an ninh quốc phòng để đảm bảo phát triển bền vững. Đây là hai thách thức lớn nhất đối với việc phát triển kinh tế biển ở miền Trung”.

Miền Trung không phải là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp truyền thống. Do vậy, các địa phương khu vực này nên chọn biển và những ngành kinh tế dựa vào biển làm lối thoát cho mình. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng. Thực tế cho thấy, ngành ngư nghiệp ở các địa phương ven biển miền Trung đang từng bước chuyển biến cả về qui mô và phương thức sản xuất. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: Cho đến nay, chúng ta mới chỉ phát triển đánh cá theo kinh nghiệm chứ chưa phát triển theo xu hướng hội nhập. Chúng ta phải phát triển nền đánh cá theo tiêu chuẩn quốc tế. Tức là tàu thuyền, thuyền viên và cả khâu chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới kết nối giữa nền kinh tế miền Trung với nền kinh tế khu vực, phát huy được tính hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao hơn các lợi thế của miền Trung”.

Cảng biển tốt và bãi biển đẹp là điều kiện nền tảng để hình thành các đô thị biển có đẳng cấp ở khu vực miền Trung. Đây là lợi thế riêng có của khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: cần phải thận trọng để quá trình phát triển khu kinh tế - cảng biển không xung đột với phát triển du lịch và làm tổn hại đến định hướng phát triển chung của cả vùng. Phát triển đô thị - biển đẳng cấp cao sẽ là xu thế phát triển dựa trên lợi thế chiến lược của các tỉnh Duyên hải miền Trung trong tương lai.

PGS-TS  Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Nhiều cảng của miền Trung tốt theo nghĩa thương mại, công nghiệp nhưng cũng có nhiều cảng biển tốt theo nghĩa một cảng du lịch và đô thị . Cho nên việc phát triển các đô thị biển miền Trung và các đô thị cảng gắn với khu kinh tế cũng là những đặc sắc của miền Trung. Tất nhiên miền Trung cũng đang còn rất nhiều khó khăn về hạ tầng, sức mạnh tài chính, sức mạnh của doanh nghiệp và cả khó khăn về nguồn nhân lực…”./.