- Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển
- Ngư dân Quảng Trị quyết tâm bám biển
Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng nhận định “Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại các vùng chiến lược, biển, đảo còn chưa chặt chẽ”1.
Với nhận định trên, Đảng ta đã đưa ra những định hướng rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời kỳ chiến lược đến năm 2020.
Quan điểm về khai thác tiềm năng biển
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI, khi đề cập đến kinh tế biển (bao gồm cả vùng biển, ven biển và hải đảo) Đảng ta đã đề ra định hướng rất quan trọng là cần phải “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta”2.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km. Diện tích biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bao gồm: vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa gấp hơn 3 lần lãnh thổ trên đất liền với diện tích khoảng 1 triệu km2; có trên 3.000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông; có 12 quần đảo. Các vùng biển, đảo nằm trên địa giới hành chính thuộc 28 tỉnh, 125 huyện ven biển, trong đó có 12 huyện đảo.
Chỉ tính riêng các hải đảo, quần đảo thì Việt Nam có hơn 1.656 km2, trong đó có hơn 66 đảo thường xuyên có dân làm ăn sinh sống, với hơn 155.000 người. Các hải đảo và quần đảo đã tạo thành một bộ phận thống nhất của lãnh thổ Việt Nam có vai trò quan trọng trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến các vùng biển đảo và khẳng định phấn đấu “Trở thành một nước mạnh về biển là một mục tiêu chiến lược xuất phát từ các yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”3. Năm 1990- 1992 đã đề ra chương trình Biển Đông - Hải đảo; tiếp sau là các chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, về chương trình Biển Đông - Hải đảo đã mở rộng phạm vi đầu tư cho các ngành, các địa phương, các dự án trọng điểm nên đã đưa nhanh công trình vào sử dụng, đáp ứng những nhu cầu quan trọng, cấp bách.
Tuy nhiên, so với vị thế, tiềm năng biển (bao gồm cả biển, ven biển, hải đảo) của đất nước thì việc khai thác, phát triển kinh tế mới chỉ là bước đầu. Vì thế, việc quán triệt sâu sắc những quan điểm, định hướng phát triển kinh tế biển của theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng là hết sức cấp thiết, nhất là các cơ quan cấp bộ, ngành có chức năng hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch và xây dựng các chương trình, dự án phát triển.
Những định hướng phát triển chủ yếu
Một là,Xây dựng các trung tâm kinh tế biển:Trung tâm kinh tế biển là các khu đô thị nằm trên các vùng ven biển, các hải đảo quan trọng có dân số và nguồn lực, bao gồm cả cơ sở vật chất, kỹ thuật và lao động nghề biển có khả năng vận dụng nguồn lực để khai thác có hiệu quả tài nguyên biển, ven biển và hải đảo. Vì thế, chúng ta phải : “Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển”4,
Hai là,Xây dựng hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp và các cảng biển:Hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp và các cảng biển là những cơ sở quan trọng, chủ yếu để tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật cho kinh tế biển như: Đóng tàu, các phương tiện vật tư, kỹ thuật phục vụ cho khai thác, đánh bắt hải sản; phục vụ khai khác tiềm năng du lịch, vận tải biển; và là nơi chung chuyển, chế biến các sản phẩm được khai thác từ biển. Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đã nhấn mạnh: “Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, khai thác, chế biến dầu khí, vận tải biển, du lịch biển,...”5
Ba là,ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, đóng tàu, chế biến và dịch vụ kinh tế biển:Các ngành công nghiệp, đóng tàu, chế biến và dịch vụ kinh tế biển có thể coi là một trong những ngành có tiềm năng, là mũi nhọn và là động lực quan trọng của kinh tế biển Việt Nam. Trong những năm vừa qua, các ngành kinh tế nêu trên cũng đã có bước tiến quan trọng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển nước ta. Vì thế, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao... gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải... Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển... Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”6.
Gắn kết kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền quốc gia
Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng đã chỉ rõ: Phải “gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”7. Những năm vừa qua, chúng ta đã chủ động xây dựng và từng bước hoàn thiện thế trận quốc phòng - an ninh trên biển. Thông qua nhiều biện pháp tổ chức giáo dục cho toàn dân về giá trị của biển, đảo trong quá trình thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược; đã thành lập “Ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và Hải đảo”; triển khai chương trình Biển Đông- Hải đảo; ban hành 7 luật, 6 pháp lệnh, 2 bản tuyên bố, 19 nghị định và 6 quyết định liên quan đến quản lý và bảo vệ vùng biển, đảo Việt Nam.
Chúng ta cũngđã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế đứng chân ổn định, vững chắc, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp xẩy ra trên biển. Xây dựng hệ thống nhà ở, tường, kè chống sói lở trên các đảo thuộc quần đảo; đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho xây dựng các công trình bảo đảm đời sống cho bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Đã xây dựng các lực lượng chuyên trách để từng bước thực hiện quản lý Nhà nước trên các vùng biểnthông qua việc xây dựng các lực lượng và phương tiện để chỉ huy điều hành cứu hộ, cứu nạn trên biển như: hệ thống quan sát, trinh sát, cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải; thành lập đội tàu tuần tra biên phòng, kiểm ngư, hải quan; tổ chức xây dựng và trang bị cho lực lượng cảnh sát biển; xây dựng hệ thống đèn biển; hoàn thiện bộ máy quản lý hành chính các huyện đảo, bổ nhiệm chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đảo Trường Sa…
Về đầu tư phát triển, chúng ta cũng đã đầu tư hỗ trợ phát triển nghề đánh cá xa bờ. Với hàng trăm tỷ đồng của chương trình Biển Đông - Hải đảo và nguồn vốn phát triển của ngân hàng Châu Á(ADB), đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo và một số điểm ven bờ, đóng mới nhiều tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.Đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trên biển đảo; đấu tranh quốc phòng - an ninh, ngoại giao; nghiên cứu và điều tra cơ bản. Đã từng bước hoàn chỉnh bộ hồ sơ cơ bản về quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển...
Trình độ khoa học về biển, những vấn đề quân sự, quốc phòng, an ninh trên biển, nhất là về sức chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển của các lực lượng vũ trang trên biển và ven bờ sẽ được nâng lên. Sự hình thành hệ thống tổ chức Tiểu ban chuyên giải quyết những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh theo Nghị định 119/CP, đã từng bước hoàn thiện cơ chế bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, bảo đảm cho các hoạt động kinh tế và quốc phòng, an ninh có hiệu quả hơn. Đó là những cơ sở bước đầu quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng có hiệu quả hơn.
Như vậy, với 3/4 lãnh thổ (bao gồm cả lãnh hải) nước ta là biển. Nên biển, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của nước ta; tỷ trọng thu nhập quốc dân (GDP) từ nguồn lợi biển ngày càng lớn; chiến lược biển của các nước trong khu vực đều liên quan và tạo sức ép lớn đối với nước ta. Do đó, kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh trên biển cần được coi trọng trong hoạch định chiến lược phát triển quốc gia, và là nhu cầu cấp bách trong giai đoạn chiến lược hiện nay.
Một số kiến nghị
Để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào đời sống thực tiễn, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp sau đây:
1- Cần hoàn thiện và chính thức hoá Văn kiện Chiến lược quốc phòng, an ninh biển Việt Nam, cụ thể hoá các nội dung chiến lược bằng quy hoạch, kế hoạch, các dự án và bằng pháp luật, chính sách phù hợp với tình hình và trở thành các văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện với mọi cấp, mọi ngành có liên quan.
2- Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, đưa các nội dung liên quan vào chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về ý đồ chiến lược trên biển của các nước trong khu vực và các đối sách của ta nhằm bảo vệ hữu hiệu chủ quyền trên biển, đảo của Việt Nam.
3- Chỉ đạo, điều hành chặt chẽ việc xây dựng các dự án quy hoạch, kế hoạch chiến lược thăm dò khai thác kinh tế biển, đảo gắn liền với bảo vệ biển, đảo trong thời kỳ mới; bổ sung hoàn thiện cơ chế, quy chế phối hợp, hiệp đồng các lực lượng trong quá trình triển khai chuẩn bị và thực hành dự án phát triển kinh tế và bảo vệ biển.
4- Tích cực đấu tranh ngoại giao để Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) được các nước tham gia thực hiện nghiêm chỉnh, có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Chủ động đề xuất và tham gia khai thác tài nguyên biển trên các vùng tranh chấp, được các bên chấp nhận./.
Nguyễn Nhâm
Tài liệu trích dẫn trong bài:
1 Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng… tr92Chiến lược phát triển kinh tế xã hội… tr153Nghị quyết 03/NQ-TW ngày 06/05/1993.4Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng… tr225Tài liệu đã dẫn, tr236Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, tr157Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, tr15