Cùng với việc đảm bảo đầy đủ, đa dạng các mặt hàng phục vụ nhân dân chuẩn bị đón Tết, ngành chức năng thành phố Hà Nội cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Sở Công thương Hà Nội, để đáp ứng nhu hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết, các đơn vị trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng trung bình từ 7%-22% so với kế hoạch Tết 2020.
Đồng thời, duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 23 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).
Sở Công thương cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm soát chất lượng để kịp thời điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: "Trong các mặt hàng phục vụ người dân dịp Tết thì mặt hàng thịt lợn là chúng tôi đánh giá có nguy cơ thiếu hụt…".
Thời gian qua, Sở Công thương Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; phối hợp với các tỉnh, thành phố giao thương các mặt hàng mang dấu ấn vùng miền, địa phương tại Hà Nội.
Theo đó, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức 4 tuần hàng trái cây nông sản, mời các doanh nghiệp tham gia 12 hoạt động giao thương, kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP của các tỉnh. Đồng thời, bố trí 28 điểm trên địa bàn hỗ trợ các tỉnh, thành đưa hàng về bán tại Thủ đô.
Cùng với việc đáp ứng đa dạng các mặt hàng, ngành chức năng thành phố Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Đối tượng được thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lực lượng liên ngành kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành trong quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn vào Hà Nội.
Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Hà Nội là nơi có cơ sở sản xuất, chế biến lưu thông rất nhiều với 83.000 cơ sở, nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao"./.