Quy hoạch được lập ra nhưng sau hàng chục năm vẫn “nằm trên giấy”, khiến cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng phải sống khổ sở trong tình trạng “3 không” là không được làm sổ đỏ, không được xây dựng, không nhập, tách hộ khẩu… Thực tế này đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội hàng chục năm nay, thậm chí có dự án được quy hoạch kéo dài đến nay đã 46 năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng xong mặt bằng.
Quy hoạch treo gây lãng phí... (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Trần Quốc Anh, ở Tổ dân cư số 4, phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội năm nay 75 tuổi, nhưng một nửa số tuổi là phải sống khổ sở cùng quy hoạch dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Ngôi nhà của gia đình cũ nát, tường lở loét, bong tróc, thấp hơn mặt ngõ gần 1 mét, cứ mưa to là tràn ngập nước. Lo sợ nhà đổ sập, nhưng lại không được phép xây dựng, sửa chữa, nên gia đình phải chống đỡ nhà bằng cột sắt.
Là gia đình chính sách, bản thân từng tham gia chiến đấu, ông Quốc Anh chua xót, chỉ vì quy hoạch “treo” mà không có quyền gì với chính ngôi nhà của mình suốt mấy chục năm nay: “Đến bây giờ, tôi 75 tuổi rồi, con cái lớn hết rồi, không biết là đến lúc tôi nhắm mắt có được chỗ ở cho tử tế hay không. Cơ chế của Nhà nước như thế là không nhanh nhạy, không phù hợp với dân. Để cho đỡ phải bồi thường mà bắt dân phải thế này, giả sử như quy hoạch thì cứ quy hoạch, đến lúc nào cần thì dân trả, nếu không có thì cho dân xây để ở, dân bỏ tiền ra chứ Nhà nước có bỏ ra đâu”.
Chật chội, xuống cấp, khổ sở là tình cảnh chung của hơn 1 nghìn hộ dân thuộc các Tổ dân cư số 1,2,3,4 phường Thanh Nhàn, trong đó riêng tổ dân cư số 4 là gần 600 hộ. Sau nhiều lần viết đơn kiến nghị lên chính quyền thành phố Hà Nội, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Điều họ mong mỏi là một quyết định và hành động rõ ràng từ phía chính quyền về việc có thu hồi, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án hay không?
Ông Đinh Xuân Tế, Trưởng Ban công tác mặt trận, địa bàn dân cư số 4, phường Thanh Nhàn nêu ý kiến: “Không một quy hoạch mà lại kéo dài đến 46 năm, cứ đắp chiếu bỏ đấy. Bây giờ dân bị mất rất nhiều quyền lợi so với những công dân khác sống ở trên đất Thủ đô. Tôi mong là thành phố Hà Nội phải sớm trả lời cho nhân dân biết về việc quy hoạch của công viên Tuổi trẻ Thủ đô”.
Quy hoạch dự án Công viên Tuổi trẻ được lập từ năm 1970 của thế kỷ trước, với tổng diện tích 26ha. Từ năm 2001 đến nay đã giải phóng mặt bằng được một số vị trí. Diện tích chưa giải phóng mặt bằng gần 10 ha với hơn 1000 hộ nằm ở phía Đông và phía Tây công viên Tuổi Trẻ với số vốn đền bù là trên 3000 tỷ đồng.
Ông Triệu Như Long, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cho biết: “Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố phối hợp với quận và phường đã tiến hành thực hiện trong năm 2015 điều tra khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân về việc có tiếp tục thực hiện dự án nữa hay không. Đa số nhân dân đồng tình là không thực hiện dự án. Quận và phường thống nhất đề xuất với thành phố 2 hướng, thứ nhất là nếu bố trí được vốn và quỹ nhà tái định cư thì giải phóng mặt bằng trong thời gian nhanh nhất. Trong trường hợp chưa bố trí được vốn thì sẽ phân kỳ giai đoạn thực hiện và có cơ chế đặc thù cho các hộ dân trong vùng quy hoạch này.”
Trên địa bàn thủ đô, một số dự án quy hoạch khu công viên, cây xanh tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng “treo” không thời hạn, như dự án công viên Cầu Giấy, dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính… Dự án công viên Cầu Giấy có diện tích khoảng 71 ha (giao cắt giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm) lại bị bỏ hoang nhiều năm. Hiện, khu đất vàng bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, nơi ở, thậm chí là đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng… Qua hàng chục năm, quy hoạch “treo” vẫn cứ làm khổ dân, nhếch nhác bộ mặt đô thị, thậm chí lại tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Thạc sỹ Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, dự án công viên, cây xanh… phục vụ nhu cầu công cộng thường hay bị “treo”, không có nhà đầu tư tham gia, còn ngân sách nhà nước thì có hạn. Nếu các dự án ở vị trí “đất vàng” được chuyển đổi sang xây dựng nhà để bán, thì các nhà đầu tư đã đổ xô.
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, quy hoạch kéo dài quá lâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và mỹ quan đô thị thì cần xem xét điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của người dân: “Lâu này quy hoạch rất là “cứng”, lại không sát thực, không đảm bảo được giải pháp sau này triển khai thực hiện thế nào và cũng không đi vào thực tiễn được. Muốn đi vào thực tiễn thì phải tiếp cận với tất cả các đối tượng đang tồn tại ở đấy. Đô thị nó là một thực thể sống, chứ có phải là một cái gì cứng đơ và bất biến đâu. Nó là một thực thể sống bởi những con người, những hoạt động hàng ngày. Thế thì những đối tượng sống trên mặt đất đấy lại không biết gì về quy hoạch hoặc không được đóng góp ý kiến gì thì giải pháp đưa ra sẽ khó thực hiện”.
Quy hoạch được lập ra nhưng để treo tớ hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân là có lỗi của các cấp chính quyền địa phương. Xét cho cùng, quy hoạch nhằm mục đích nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, làm đẹp diện mạo đô thị. Nhưng nếu chỉ vì quy hoạch không có vốn triển khai, không khả thi mà cứ nằm “trên giấy”, làm khổ người dân thì cần nhanh chóng có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn./.