Tại Hội nghị về phát triển kinh tế khu vực biên giới do Bộ Công Thương tổ chức kết nối trực tuyến với 25 tỉnh biên giới mới đây, 1 trong 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển kinh tế khu vực biên giới chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, chưa theo kịp sự phát triển,… đó chính là những bất cập trong công tác quy hoạch, từ các quy hoạch “khung” như  quy hoạch cửa khẩu giai đoạn 2021-2030, quy hoạch hạ tầng điện, đường giao thông… đến quy hoạch “mềm” là cơ sở hạ tầng thương mại.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới đã chủ động, tích cực khắc phục, nỗ lực vươn lên, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế tại khu vực biên giới.

Tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế - xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 mới đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.

Trong các nguyên nhân, hạn chế được chỉ ra phải kể đến công tác quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung và khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch. Thậm chí, công tác lập quy hoạch chưa gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện, chưa xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp với từng giai đoạn của quy hoạch.

Bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, theo Luật Quy hoạch, hiện nay tất cả các tỉnh biên giới đều đang gấp rút xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đây là quy hoạch tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực, phân vùng phát triển của địa phương biên giới. Khi chưa hoàn thành và phê duyệt quy hoạch tỉnh thì sẽ khó khăn trong bố trí vốn đầu tư, thu hút nguồn lực, không tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển…

Theo bà Lê Hoàng Oanh, qua hơn 200 kiến nghị của các tỉnh biên giới gửi về, cùng với quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông, việc sớm hoàn thiện Quy hoạch của khẩu giai đoạn 2021-2030 được đặc biệt coi trọng.

“Đã có 33 kiến nghị sớm hoàn thành Quy hoạch cửa khẩu Việt Nam – Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2021-2030. Về Quy hoạch phát triển điện lực có 36 kiến nghị với các nội dung cụ thể liên quan đến Quy hoạch điện 8. Các nhóm kiến nghị để phát triển công nghiệp có 14 kiến nghị với các nội dung chủ yếu như quy hoạch đầu tư cụm công nghiệp, xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp…”, bà Oanh cho biết.

Quảng Ninh là địa bàn duy nhất có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, có ưu thế cạnh tranh về thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hóa với Trung Quốc và ASEAN. Để phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển bền vững các ngành công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại, ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Công Thương quy hoạch và ủng hộ cho tỉnh Quảng Ninh phát triển các cụm công nghiệp tại 3 địa phương biên giới bởi hiện quy hoạch của tỉnh còn rất ít.

Xác định Quy hoạch tỉnh là căn cứ để bố trí, thu hút đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch không tồn tại Quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại, Quy hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại đều tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.

Vì vậy, để phát triển kinh tế khu vực biên giới trong giai đoạn tới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các tỉnh biên giới cần rà soát và đề xuất các nội dung về đầu tư phát triển khu vực biên giới, quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại trên địa bàn để tích hợp và khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở bố trí vốn đầu tư phát triển và định hướng phát triển lâu dài cho khu vực biên giới cũng như tất cả các ngành giao thông, công nghiệp, thương mại, điện năng, các khu vực trên địa bàn...

“Cần phải tập trung xây dựng được chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ của các địa phương. Và cùng với chiến lược phát triển các ngành như vừa nêu thì cần phải sớm được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch của mỗi địa phương có chung đường biên giới. Và dựa vào những quy hoạch của địa phương cùng với những định hướng quy hoạch ngành quốc gia mà Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ này thì chúng ta sớm đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để có thể thông qua được Quy hoạch phát triển kinh tế của các tỉnh biên giới, đặc biệt là quy hoạch phát triển các cửa khẩu trên phạm vi cả nước, nhất là cửa khẩu đất liền”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng đặc biệt nhấn mạnh việc khẩn trương triển khai Quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn./.