Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 vừa khép lại với những kết quả đáng khích lệ. Ngay trong hội nghị ngành ngân hàng cam kết, các nhà đầu tư dự kiến đưa số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng vào khu vực. Nếu những cam kết và dự kiến này được thực hiện, Tây Nguyên sẽ có điều kiện nhất định để phát huy những tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để làm được điều này, vẫn còn những trở lực vốn đã kéo dài, cần phải được giải quyết, như hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư và cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với Tây Nguyên.
Nút thắt và là lực cản lớn nhất khiến các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước còn băn khoăn khi đầu tư vào Tây Nguyên chính là hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông còn yếu. Việc nâng cấp, sửa chữa và mở rộng các tuyến đường, nhất là Quốc lộ 14 huyết mạch giao thông của Tây Nguyên cũng đã được bàn thảo rất nhiều, tuy nhiên đây là vấn đề khó vì cần rất nhiều vốn.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai - 2013 (Ảnh: Công Bắc) |
“Xây dựng, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 là tuyến chạy suốt nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau đã được trình lên Quốc hội. Quốc hội thảo luận rất sôi nổi, tuy nhiên, bây giờ Quốc hội đề nghị chuyển sang dùng vốn trái phiếu công trình thì đây là vấn đề hơi khó. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Quốc hội lần nữa để phát hành trái phiếu Chính phủ để giải quyết vấn đề then chốt nhất cho Tây Nguyên đó là giao thông.” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.
Cùng với Quốc lộ 14, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, sẽ giải quyết các đường nối như đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 20, Quốc lộ 19, Quốc lộ 26 hay là xây dựng tuyến đường sắt, các sân bay nhỏ cho Tây Nguyên. Qua đó, tạo ra một mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh cả đường bộ, hàng không và đường sắt để có thể khai thác tối đa lợi thế của vùng, kéo vùng Tây Nguyên gần lại với các trung tâm kinh tế của cả nước, gần các cảng biển. Đó là những điều rất quan trọng cho sản xuất hàng hóa và hòa nhập quốc tế của khu vực.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng để có thể tăng cường thu hút được các nhà đầu tư đến với Tây Nguyên đó là làm sao cải thiện được môi trường đầu tư. Ông Trần Việt Hùng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư giải quyết nhanh các dự án. Trong quá trình thực hiện, nếu các nhà đầu tư gặp khó khăn thì các tỉnh sẽ phải có trách nhiệm cùng với doanh nghiệp tháo gỡ:
“Tránh tình trạng kêu gọi nhà đầu tư vào nhưng sau đó lại không quan tâm đến việc các nhà đầu tư thực hiện các dự án đó ra sao. Lần này, tôi nghĩ rằng đó là những việc cần đẩy mạnh thì mới tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.” – ông Trần Việt Hùng nói.
Song song với cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cũng là vấn đề quan trọng để tăng cường thu hút các nhà đầu tư đến với Tây Nguyên. Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nên đặt Tây Nguyên trở thành đặc khu hành chính kinh tế hàng hóa xuất khẩu.
Qua đó, có thể có cơ chế chính sách cụ thể ưu đãi hơn. Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư xã hội của các tỉnh Tây Nguyên thì hiện năng lực đầu tư mới đáp ứng được 20-22%. Cụ thể, nhu cầu vốn ở Tây Nguyên đến cuối năm 2012 là 450.000 tỷ đồng thì lượng vốn đáp ứng mới đạt được 104.000 tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách là rất khó.
“Chúng tôi đề nghị ngoài vốn ngân sách có yếu tố ngân sách thì quan trọng nhất trong cơ chế chính sách ưu đãi là làm sao phải giải quyết được bài toán công tư, xã hội hóa. Chúng tôi nhận thấy một mô hình công tư trong lĩnh vực y tế của bệnh viện liên kết giữa Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là mô hình rất thành công. Qua đây để giải quyết bài toán trong các lĩnh vực khó kêu gọi đầu tư như y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác.” - ông Trần Bắc Hà đề nghị./.