Sau nhiều nỗ lực từ Ngân hàng Nhà nước, hiện trần lãi suất huy động đang ở mức 7% và lãi suất cho vay kéo giảm đáng kể. Lãi suất cho vay giảm là tín hiệu đáng mừng cho giới doanh nghiệp. Song doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn vay hay không? Lãi suất giảm có thực sự là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất không? Đâu mới chính là giải pháp thực sự  giúp cho nguồn vốn tín dụng được khơi thông đến đúng nơi có nhu cầu, đang là vấn đề đặt ra cho cả hệ thống ngân hàng và giới doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ không dễ

Bắt đầu từ ngày 27/6/2013, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ giá thêm 1% và giảm trần lãi suất huy động từ 7,5% về 7%/năm, đồng thời, bỏ trần lãi suất huy động trên 6 tháng. Đánh giá về việc giảm lãi suất huy động lần này của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cho rằng khi lạm phát trong tháng 6 đã được công bố là tăng nhẹ 0,05%, một số chỉ số kinh tế vĩ mô cũng đã đi dần vào ổn định, thì việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất là cần thiết. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất tiền gửi để tiến tới hạ lãi suất cho vay, kích thích dòng vốn ra thị trường. Tuy nhiên, những mong muốn này có được hay không lại là câu chuyện khác.

Theo TS Nguyễn Thị Mùi: “Có rất nhiều cơ chế chính sách và định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn để phát triển, nhưng xem xét từng lĩnh vực thấy khả năng doanh nghiệp tiếp cận cơ chế chính sách của Chính phủ là rất thấp.”

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động lần này không có nhiều ý nghĩa trực tiếp. Vì việc hạ lãi suất 0,5% sẽ không giúp giá vốn cho doanh nghiệp đi vay sẽ rẻ hơn. Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Thanh Hóa cho biết: “Lãi suất không phải vấn đề quan trọng nhất với doanh nghiệp bởi sức mua thị trường yếu, mặt khác để có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ lại không hề đơn giản trong khi tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp hết cho các khoản nợ cũ nay không thể dùng thế chấp tiếp”.

“Đã là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tài sản thế chấp ít, khi không có tài sản thế chấp đương nhiên việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó. Hiện nay ngân hàng đang hạ thấp tỉ lệ đánh giá tài sản xuống. Ví dụ, căn cứ vào giá Nhà nước quy định để đánh giá tài sản. Như vậy, so với giá thị trường là cả một khoảng chênh lệch. Ngân hàng chỉ cho vay 50% giá trị được đánh giá, điều này càng khó hơn đối với daonh nghiệp”- bà Mùi phân tích.

Giữa ngân hàng và doanh nghiệp đang mất niềm tin

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện nay các ngân hàng thương mại rất cần cho vay vì đang ứ đọng vốn. Song vấn đề là giữa ngân hàng và doanh nghiệp đang mất niềm tin. Lãi suất hạ nhưng điều kiện cho vay không thay đổi nên ngân hàng sẽ tiếp tục ứ đọng vốn, còn doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì lại không tiếp cận được.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Báo cáo chính sách trên giấy rất đẹp, khả thi, nào là tín dụng ưu đãi rồi giảm thuế… nhưng thực tế khi hỏi các doanh nghiệp thì từng chính sách một đều khiến các daonh nghiệp không tiếp cận được. Vì vậy, bây giờ phải làm giảm khoảng cách giữa chính sách và thực tế nếu không doanh nghiệp sẽ khó phát triển.”

Cùng chung quan điểm này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: Việc giảm lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ là một phần hỗ trợ nhỏ, bởi nếu doanh nghiệp nào tốt thì vẫn đang được hưởng lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng thương mại trước đó, còn lại là các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vì phương án kinh doanh kém hiệu quả.

Về lâu dài chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Với các doanh nghiệp tôi cho rằng Chính phủ nên có các gói giải pháp để hỗ trợ họ. Chẳng hạn như các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở của mình thì khuyến khích họ tiêu thụ các sản phẩm sắt thép nguyên vật liệu cho xây dựng rồi có các chương trình an sinh xã hội có thể được tăng cường để tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp xã hội liên quan đến ngành nghề ưu tiên của Chính phủ giúp các doanh nghiệp giảm hàng tồn kho xuống từ đó các doanh nghiệp có được dòng tiền và bắt đầu phục hồi.”

Có thể thấy, có chính sách tiền tệ đúng đắn chưa chắc đã phát huy tác dụng, để dòng tiền chảy đúng hướng còn cần nhiều chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách kích cầu, chính sách hỗ trợ. Để hướng cho dòng tiền đi vào nền kinh tế, cần huy động tổng lực, trong đó, quan trọng là các công cụ thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách./.