Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thông báo điều chỉnh giảm 1% các lãi suất chủ chốt từ hôm nay (26/3). Đánh giá về động thái trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây là một quyết định hợp lý và cần thiết để kéo mặt bằng lãi suất xuống, mà ở đây chủ yếu là lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và giúp nền kinh tế vượt qua những khó khăn trong lúc này.

 ong%20hieu.jpg
 TS Nguyễn Trí Hiếu

 Đáng chú ý nhất, lãi suất tối đa với các khoản tiền kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm có thể được cân nhắc dưới một số khía cạnh như tác động đến việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, lạm phát và tiền gửi của dân chúng.

“Tôi kỳ vọng việc giảm lãi suất huy động lần này sẽ giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống khoảng từ 1 đến 2%. Việc giảm lãi suất huy động cho kỳ hạn đến 12 tháng sẽ tác động đến lãi suất các kỳ hạn khác, do đó có thể kéo mặt bằng lãi suất tiền gửi nói chung xuống”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Không e ngại việc giảm lãi suất lần này sẽ tác động nhiều đến lạm phát, TS Hiếu, nhận định: “Thông thường khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng giảm và vì thế tín dụng được khuyến khích và tăng trưởng. Nhưng trong tình hình kinh tế hiện nay mức cầu xuống thấp, nhu cầu tín dụng không cao, vì thế việc giảm lãi suất cho vay không trở thành một động lực chính làm tăng tín dụng và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông thông qua tín dụng”. 

Tuy nhiên, với lãi suất huy động giảm, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, có thể xảy ra một sự chuyển dịch nguồn tiền gửi từ những ngân hàng nhỏ và yếu sang các ngân hàng mạnh và hoạt động tốt.

Đề cập về tác động đối với doanh nghiệp, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp đang hoạt động bình thường thì việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay do tác động của việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ có lợi cho họ vì chi phí vốn sẽ giảm. Nhưng với các doanh nghiệp yếu và khó khăn thì việc giảm lãi suất không có ý nghĩa vì họ không thể tiếp cận với nguồn tín dụng.

 
 Ông Nguyễn Mại

 Còn theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: Việc giảm lãi suất tiền gửi và tiền vay gắn với xu hướng giảm lạm phát là mong mỏi của tất cả các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp FDI.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Mại, cũng không dễ giảm lãi suất quá nhanh bởi vì còn phụ thuộc vào tâm lý người gửi tiền tiết kiệm.

Lý do, khi các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, chứng khoán chưa ổn định thì người dân vẫn chọn phương án gửi tiền tiết kiệm để lấy lãi mặc dù lãi suất có thể giảm vài phần trăm.

Nhưng một khi các kênh đầu tư nói trên trở nên hấp dẫn thì việc lựa chọn có nên gửi tiết kiệm khi lãi suất giảm hay không lại là vấn đề cần được lưu ý.

Về việc điều chỉnh giảm lãi suất 1% từ ngày 26/3, theo ông Nguyễn Mại nhận định “chắc chắn có tác dụng đối với doanh nghiệp, nhưng cũng hạn chế trong phạm vi những doanh nghiệp đang còn nợ ngân hàng. Vấn đề đối với các doanh nghiệp khác là không dễ tiếp cận với tín dụng ngân hàng, nhất là khi lãi suất có xu hướng giảm”.

Vì vậy, cùng với chủ trương giảm dần lãi suất khi điều kiện cho phép, ông Nguyễn Mại cho rằng, nên có thêm những giải pháp hữu hiệu, hướng dẫn và giám sát các ngân hàng thương mại để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với các thủ tục thuận tiện cho họ./.