Thời gian qua, dịch Covid 19 đã khiến thương mại hàng hóa toàn cầu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh thì nhiều quốc gia, nhất là Mỹ - thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai thị trường còn thấp hơn so với kỳ vọng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Mỹ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 7,2% là những con số cho thấy, dù kim ngạch thương mại có tăng trưởng nhưng vẫn không cao như thông lệ nhiều năm.

Chính vì thế, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất khẩu, mới đây Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Đại sứ quán, Tham tán thương mại Mỹ tại Việt Nam tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến nhằm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

vov_gt_VENK.jpg
Giao thương trực tuyến “Đẩy mạnh hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh Covid-19”.

Là đại diện doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu các đối tác Mỹ thông qua hình thức giao thương trực tuyến, bà Bùi Kim Thúy, đại diện Công ty BT Natures cho biết, hội nghị giao thương trực tuyến đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam kết nối và giao dịch được với nhiều đối tác tại Mỹ.

“Buổi giao thương diễn ra sôi nổi giữa các doanh nghiệp hai nước. Hơn 20 phòng kết nối giao thương đã được mở ra giữa doanh nghiệp Việt Nam với những nhà xuất nhập khẩu Mỹ, trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, máy móc thiết bị công nghiệp, dệt may, năng lượng, khoáng sản, than... Tại buổi giao thương, BT Natures đã kết nối, trao đổi trực tuyến với 5 doanh nghiệp Mỹ”, bà Thúy cho biết.

Theo đánh giá của ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Washington (Mỹ), Việt Nam và Mỹ hiện còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và đang thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn, đảm bảo sự phát triển bền vững của hai nước trong thời gian tới.

Tương tự khi chia sẻ cùng các doanh nghiệp, ông Eric Hsu, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho rằng, việc tổ chức hội nghị, giao thương trực tuyến trong bối cảnh hiện tại là hết sức thiết thực. Mỹ luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội sẽ luôn hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, hợp tác kinh doanh.

Cho rằng việc tổ chức các hoạt động hội nghị, giao thương trực tuyến trong tình hình hiện tại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp an toàn hơn trong giao dịch xuyên biên giới, ông An Thế Dũng, Giám đốc Trung tâm Vietrade - New York khẳng định, đây là bước chuẩn bị sẵn tiềm lực ứng phó nhanh với các diễn biến thương mại, diễn biến thị trường sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

“Thông qua hội nghị, giao thương trực tuyến, doanh nghiệp hai bên có cơ hội trao đổi về khả năng hợp tác kinh doanh, chuẩn bị ký kết hợp đồng trực tiếp sau khi dịch bệnh được kiểm soát, góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam - Mỹ”, ông Dũng nêu rõ.

Chia sẻ và ủng hộ những giải pháp của cơ quan xúc tiến thương mại cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Mỹ, Đại sứ Đặng Đình Quý, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ, việc tổ chức các hoạt động giao thương trực tuyến và cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cũng đã tạo ra bối cảnh mới để các quốc gia trên thế giới gắn kết với nhau hơn, cộng đồng doanh nghiệp cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời điểm hiện tại.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Hài lòng với các chương trình xúc tiến thương mại mà điển hình là các hội nghị giao thương trực tuyến diễn ra gần đây, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống đang bị đình trệ, hoạt động giao thương trực tuyến đã giải quyết được một phần nhu cầu xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Bởi thông giao thương trực tuyến đã trở thành hướng đi mới, kênh xúc tiến thương mại hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn bùng phát ở nhiều nơi. Bằng hình thức này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng các cơ hội hợp tác kinh doanh…

Mặc dù vậy ông Tài vẫn cho rằng, riêng đối với thị trường Mỹ, khi họ đã có trình độ công nghệ cùng các đòi hỏi về tiêu chuẩn kỹ thuật cao, muốn để chinh phục được họ, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu kỹ thị hiếu, những thói quen tiêu dùng của khách hàng Mỹ từ đó mới có thể thành công./.