Việc “bức xúc” xung quanh hoạt động kinh doanh gas là vấn đề không mới. Điều lạ ở đây là cho tới thời điểm này, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng vẫn phải “lãnh đủ” những hệ quả từ câu chuyện: gian lận gas.

Đây cũng chính là chủ đề thảo luận tại Hội thảo về thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chiết nạp gas và các giải pháp ngăn chặn được tổ chức tại Hà Nội chiều 24/2. Điểm chung đầu tiên mà đại diện các đơn vị có liên quan như Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, các doanh nghiệp kinh doanh gas… đều nhất trí là cơ sở pháp lý, các chế tài xử lý trong hoạt động kinh doanh gas của Việt Nam còn quá thiếu.

Vặt tai, xóa nhãn

Hiện nay ở Việt Nam có hai nguồn cung cấp gas chính, đó là gas sản xuất trong nước do Nhà máy Dinh Cố sản xuất (chiếm hơn 30%) và nguồn nhập khẩu (trên 60%). Những năm gần đây, thị trường gas trong nước phát triển rất nhanh, mức tiêu thụ tăng bình quân khoảng 10%/năm. Riêng năm 2008, nhu cầu tiêu dùng gas trên toàn quốc lên tới gần 1 triệu tấn; kinh doanh trong lĩnh vực này có khỏang 70 doanh nghiệp lớn nhỏ thuộc các thành phần kinh tế, với hơn 5.000 đại lý, trong đo tập trung lớn ở Hà Nội (khoảng 800 đại lý) và TPHCM (khoảng 1.500 đại lý).

Tuy nhiên, thị trường gas đã và đang tồn tại nhiều bất cập về chất lượng vỏ bình gas, nạn kinh doanh gas giả, sang chiết nạp trái phép, nhái nhãn mác, nhập khẩu bình gas cũ và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Điều này làm thiệt hại tới các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính nói chung.

Số liệu thực tế cho thấy, trong 70 công ty kinh doanh gas trên toàn quốc thì chỉ có khoảng 40 công ty có đăng ký nhãn hiệu vỏ bình gas. Còn lại tới hơn 30% vỏ bình gas cung cấp ra thị trường là giả nhãn hiệu.

gas2.jpg
Việc vận chuyển như thế này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ (Ảnh:PLTPHCM)

Biểu hiện rõ nhất của sự vi phạm là việc thu gom bình gas của các doanh nghiệp khác và tẩy xóa các dấu hiệu, thương hiệu trên bình gas để sau đó chiết nạp gas vào để bán ra thị trường. Thậm chí một số tổ chức và cá nhân lập ra các nhà máy với chức năng đăng ký là cải tạo, sửa chữa vỏ chai gas nhưng hoạt động thực tế là chiếm dụng vỏ chai gas của hãng khác, sau đó cải tạo, thay tai xách, đóng dập lại số seri, sơn hoặc dán logo, nhãn mác biến thành vỏ bình gas của hãng mình để bán ra thị trường.

Việc sửa chữa này đã làm thay đổi kết cấu khiến sức chịu áp lực của vỏ bình gas giảm và tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm đối với người sử dụng. Đối với doanh nghiệp kinh doanh gas, bình gas chiếm khoảng 60-70% tổng giá trị tài sản, nhưng khi bị chiếm dụng vỏ bình, các doanh nghiệp này cũng chỉ biết… kêu trời.

Đối với tình hình an ninh trật tự nói chung, theo thống kê năm 2008, cả nước xảy ra 42 vụ cháy, nổ gas làm 6 người chết và bị thương. Gian lận trong hoạt động kinh doanh gas cũng gây thất thu cho Nhà nước khoảng 80 tỷ đồng/năm.

Lợi nhuận kếch xù từ gian lận

Việc chiết nạp lậu gas hiện nay được tổ chức có quy mô, nhiều tổ chức vi phạm có nhà máy chiết nạp trong các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp. Với các hình thức gian lận về gas, Bộ Khoa học-Công nghệ đã cảnh báo về việc bán gas không đúng trọng lượng với 64,28% cơ sở kinh doanh được kiểm tra gas.

Bộ này cũng cảnh báo, có khoảng 10% vỏ bình gas không qua kiểm định. Điều đó đồng nghĩa với việc

Ông Trần Trọng Hữu, Cty KD Khí hóa lỏng Miền Bắc: Cần có chế tài phạt nặng các hành vi gian lận
chất lượng, tiêu chuẩn anh toàn của bình gas cũng chẳng ai biết. Bên cạnh đó, số cơ sở kinh doanh sang chiết gas trái phép chiếm tới 7,14%.

Số liệu khảo sát cho thấy, mức độ gian lận ở các doanh nghiệp chiết nạp gas trái phép khoảng 3% ở mỗi bình gas khi giao hàng. Như vậy, với mức tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn gas/năm, nếu gian lận 3% mỗi lần giao hàng cho khách, các cơ sở kinh doanh cũng đã trục lợi từ người tiêu dùng một số tiền khổng lồ. Thậm chí, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.

Hành vi gian lận dẫn đến cảnh kẻ khóc người cười, mà trước tiên là các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính phải “ngặm đắng nuốt cay” khi phải chịu kẻ khác hưởng lợi bất hợp pháp từ tài sản, uy tín của mình. Theo số liệu điều tra, chỉ tính từ địa bàn Thanh Hóa trở ra, hiện có hàng chục cơ sở với quy mô lớn đang có hành vi vi phạm. Trung bình việc chiết nạp lậu của mỗi trạm từ 300-500 tấn/tháng có thể làm giảm lợi nhuận ước tính 6-8 tỷ đồng mỗi tháng cho các doanh nghiệp gas trên địa bàn này.

Cũng tại thị trường miền Bắc, việc “vặt tai, xóa nhãn” làm thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh gas khoảng 10.000 vỏ bình mỗi tháng, tương đương 3-4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc chiết nạp lậu còn làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gas của nhiều doanh nghiệp.

Với những vi phạm tồn tại dai dẵng và rõ ràng như trên, nhưng hiện tại, các cơ quan chức năng cũng khó có thể xử lý mạnh tay vì thiếu các hành lang pháp lý. Điều đó đồng nghĩa, trong tương lai gần, các doanh nghiệp “4 lậu” (cơ sở lậu, vỏ bình lậu, gas lậu, giá lậu) vẫn ung dung hưởng lợi./.