Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Lãi suất huy động phổ biến hiện nay đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng là 5-6%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng là 6-7,2%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng là 7,3-7,8%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên là 7-8%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh thông thường 9-10%/năm đối với ngắn hạn, 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục giảm. Đến 18/9/2014, dư nợ cho vay bằng VNĐ có lãi suất trên 15% chỉ còn chiếm 4,25% tổng số dư nợ cho vay VNĐ (cuối năm 2013 là 6,3%); dư nợ cho vay bằng VNĐ có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn chiếm 12,16% tổng dư nợ (cuối năm 2013 là 19,72%).
Lãi suất cao, DN không dám vay
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2014, nhiệm vụ 2015, cũng như trao đổi bên lề với báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ băn khoăn về câu chuyện lãi suất hiện nay.
Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội), hiện lãi suất cho vay thấp chủ yếu ở 4 ngân hàng thương mại lớn và chỉ cho khách hàng tốt vay. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì lấy đâu ra nhiều khách hàng tốt mà cho vay với lãi suất ấy. Còn mặt bằng chung của lãi suất cho vay ngắn hạn là 8 – 10%, cho vay trung và dài hạn là 11 – 12%.
“Với mức lãi suất cho vay 11 – 12% hiện nay doanh nghiệp rất khổ, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, lãi suất cho vay giảm chậm là do lãi suất huy động còn cao, có nơi huy động hơn 8%. “Trong điều kiện kinh tế hiện nay, làm gì để có lãi 7 – 8%. Bên cạnh đó, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng còn thấp, tỷ lệ vốn huy động của các ngân hàng chiếm 90 – 95%. Với lãi suất như vậy thì nhiều doanh nghiệp bị phá sản và ảnh hưởng tới ngân hàng do nợ xấu tăng. Có những ngân hàng yếu kém bị thâm hụt ngày càng sâu, năm sau lỗ cao hơn năm trước, vốn điều lệ chỉ có 4000 – 5000 tỷ đồng, chưa kể vốn đó là thật hay ảo nữa” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trong điều kiện kinh tế hiện nay, lãi suất cho vay chỉ nên 6 – 7%/năm thì mới có thể hỗ trợ được doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có được lãi vay này, các ngân hàng có dám mạnh dạn giảm lãi suất huy động xuống 4 – 5%/năm không? Thực tế, nếu giảm xuống mức đó, khách hàng sẽ chuyển sang gửi ngân hàng khác ngay, thanh khoản của nhiều ngân hàng sẽ căng thẳng.
Chính vì vậy, ông Hùng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước phải “cầm trịch” trong câu chuyện lãi suất. Như hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ đang lệch, chỉ giữ cho ngân hàng mà không quan tâm đến lĩnh vực khác.
Theo ông Hùng, mặc dù báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội cho thấy có 2000 doanh nghiệp mới đăng ký, nhưng số vốn thực sự đưa vào nền kinh tế cũng rất hạn chế. Vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp bị nợ nhiều, năng lực tài chính rất thấp và phá sản.
VAMC là kho chứa nợ xấu rất nguy hiểm
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), Chính phủ cần làm rõ, phân tích rõ việc xử lý nợ xấu của Công ty mua bán và quản lý nợ xấu (VAMC). Công ty này hoạt động từ tháng 7/2013 đến 9/20114 nhưng số nợ xấu được xử lý rất thấp so với kế hoạch. “Nếu tự trang trải mà không hiệu quả phải dùng tiền Nhà nước thì Chính phủ báo cáo rõ việc hoạt động của công ty này”, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu theo tổng hợp của các TCTD là 3,6%. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Huy Hùng, việc tính nợ xấu hiện nay là chưa hợp lý vì đã loại trừ tổng nợ xấu bán cho VAMC, tổ chức tài chính và cơ cấu lại nợ (rất nhiều lần).
Ông Hùng đưa ra phép tính, tiền thu từ việc bán tài sản của doanh nghiệp thế chấp của các ngân hàng cũng chỉ được 5.000 tỷ đồng, cùng với việc trích lập dự phòng rủi ro… “thì số liệu về việc xử lý 160.000 tỷ đồng nợ xấu là không chính xác”, ông Hùng khẳng định.
Minh chứng cho điều này, ông Hùng nêu thực tế tại Vietinbank khi ông còn làm Chủ tịch HĐQT. Theo đó, mỗi năm, tiền thu trực tiếp từ bán tài sản cao nhất trong năm cũng chỉ được 900 tỷ đồng, ngoài ra, trích lập dự phòng rủi ro khoảng 2000 tỷ đồng nữa. “Đó là làm quyết liệt mới được thế. Đây là ngân hàng lớn, còn các ngân hàng nhỏ thì chỉ vài trăm tỷ đồng, thậm chí chỉ vài chục tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều khoản nợ xấu khác cũng chưa được tính hết như tồn ở các công ty con của hệ thống ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, sở dĩ phải tính tất cả các khoản nợ xấu, vì tỷ lệ mất vốn trên tỷ lệ thu hồi nợ tại các ngân hàng thương mại rất cao. Trong khi đó, nhiều khoản nợ xấu không được tính toán và tồn đọng ở các quy trình rất lớn.
“Để có câu trả lời thuyết phục, cần phải kiểm toán rộng rãi cả hệ thống ngân hàng, có như vậy mới có toa thuốc đúng”, ông Hùng đề xuất.
Ông Hùng cũng đề xuất xem lại cơ chế hoạt động của VAMC, bởi cách làm này chỉ là giải pháp kỹ thuật, là kho chứa nợ xấu rất nguy hiểm, sau 5 năm nữa số nợ ở VAMC là như thế nào.
“Chúng ta cứ nghĩ khủng hoảng kinh tế chỉ là chu kỳ, nhưng nay đã kéo dài 6 – 7 năm, chúng ta cứ ấp ủ như vậy, che đậy như vậy đến bao giờ? Bởi vậy, việc gom nợ xấu vào kho, sau 5 năm mở kho không những không xử lý được mà hậu quả còn nặng nề lên”, ông Hùng khuyến cáo./.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: Lãi suất 12%, doanh nghiệp hiệu quả cũng không vay
Để xử lý điểm nghẽn trong kênh tín dụng, nên mạnh dạn giảm lãi suất trung hạn, nếu cứ giữ mức 10, 11, 12% những doanh nghiệp làm ăn được họ cũng không vay. Muốn giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương phải giảm lãi suất tái cấp vốn; đồng thời NHTM cũng phải tiết giảm để lãi suất đầu ra ở mức chấp nhận được.