Gần đây, bên cạnh xuất trái sầu riêng tươi (dạng nguyên trái) nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thu mua trái cây này còn bổ ra lấy cơm sầu riêng bán ra thị trường trong và ngoài nước. Lượng vỏ trái sầu riêng tồn động khá lớn phải bỏ phế ngoài vườn, nơi công cộng... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh mầm bệnh. Do đó cần có giải pháp xử lý phế thải này theo hướng có ích cho sản xuất và vệ sinh môi trường.
Dọc theo các tuyến đường tỉnh lộ 864, 868 thuộc địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang mọi người dễ dàng nhận thấy nhiều đống vỏ trái sầu riêng bỏ phế nhiều ngày, có nguy cơ gây ô nhiễm. Bởi sau khi bốc vỏ trái sầu riêng lấy cơm, các cơ sở kinh doanh bỏ phế toàn bộ phần vỏ trái cây này hay thuê dịch vụ chở đi bỏ nơi khác.
Một chủ vựa thu mua trái sầu riêng tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, vẫn phải thuê 200.000 đồng/xe để chở phế thải từ trái sầu riêng đi đổ bỏ nơi khác. Hầu hết các cơ sở kinh doanh sầu riêng chưa xử lý được vỏ trái cây này. “Vỏ sầu riêng được coi là rác, đổ bỏ làm phân nên các vựa vẫn phải thuê 200.000 đồng/xe để thu dọn. Công thuê là vậy nhưng không biết người ta chở và đổ đi đâu”, chủ vựa này cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Điệp, chủ cơ sở thu mua trái sầu riêng tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy cũng cho rằng, giải pháp chính là chở vỏ sầu riêng bỏ vào mương vườn, sau một thời gian hoại mục làm phân. “Từ lâu nay vỏ sâu riêng vẫn được bỏ ngoài vườn, chờ chừng nửa tháng vỏ mục sẽ đổ vôi vào làm phân, hoặc thuê người chở đi đổ ở nơi khác, giá mướn đổ vỏ sâu là 200.000 đồng/xe nhưng không quy định phải đổ ở đâu nên người ta muốn đổ ở đâu thì đổ”, bà Điệp chia sẻ.
Được biết, trái sầu riêng khi quá kích cỡ, mẫu mã không đẹp thường được các cơ sở thu mua bóc vỏ lấy cơm bán thay vì bán nguyên trái giá rất thấp. Do đó, lượng vỏ trái sầu riêng bỏ lại rất lớn. Chỉ riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vào mùa thu hoạch trái sầu riêng chính vụ, mỗi ngày phát sinh hàng chục tấn vỏ và cả hạt của trái cây này.
Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, trước đây có doanh nghiệp đến gom vỏ trái sầu riêng về làm phân hữu cơ nhưng nay đã ngưng. Địa phương vận động các nhà vựa, doanh nghiệp kinh doanh trái cây này hợp đồng xe đổ rác thải thu gom về bỏ tại bãi rác tập trung của tỉnh. Riêng giải pháp tập kết vỏ trái sầu riêng tại đất vườn thì không khuyến khích, vì nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát sinh ra nhiệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển cây sầu riêng.
“Phần vỏ sầu riêng từ các vựa thải ra được xã vận động các hộ kinh doanh, chủ vựa hợp đồng với doanh nghiệp Nhật Toàn bốc đi xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2021, vỏ trái sầu riêng được các doanh nghiệp làm phân bón hữu cơ thu gom hết. Tuy nhiên xã tiếp tục vận động các doanh nghiệp thu gom làm sao đảm bảo môi trường tại xã trong thời gian tới”, ông Sang cho hay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Phó Trưởng Bộ môn Nông học (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết, vỏ trái sầu riêng cần được ủ thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, còn bỏ phế sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm phát sinh mầm bệnh cho con người và vật nuôi. `
“Không chỉ vỏ trái sầu riêng mà các loại phế phẩm nông nghiệp khác ở Việt Nam vẫn đang bị bỏ phí rất oan uổng khi người dân chưa biết ủ phân. Trong khi các phế phẩm chính là chất dinh dưỡng trả lại cho đất tốt nhất. Vỏ trái sầu riêng cứ để ngoài trời sẽ hôi thối, lây lan mầm bệnh ra nước, đất, gây mầm bệnh cho con người, môi trường và vật nuôi. Nếu có máy băm, cắt phế phẩm ra càng nhỏ càng mau phân hủy, sau đó trộn với vôi và đậy bạt lại. Sau một tuần vỡ bạt ra trộn với vi sinh phân hủy vỏ sầu riêng thành chất mùn, ủ thành phân bón”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc khuyến cáo.
Sầu riêng là loại trái cây có giá trị ở tỉnh Tiền Giang với khoảng 16.000 ha. Cùng với việc nâng cao năng suất chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, việc xử lý vỏ trái cây này theo hướng có lợi cần được ngành chuyên môn và nhà vườn quan tâm hơn để sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường./.