Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Việc tăng giá xăng này đã kéo theo nhiều hàng hoá thiết yếu ngay lập tức có tín hiệu điều chỉnh tăng theo. Điều này đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ, làm xáo trộn đời sống của người dân.
Thời điểm này, mỗi ngày đi chợ chị Nguyễn Thị Hoa, ở phố Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội lại “đau đầu” khi phải tính toán, cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý nhất, do giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Gia đình có 4 nhân khẩu, kinh tế làm ra mỗi tháng cũng chỉ có con số nhất định cho chi tiêu, song nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng một cách chóng mặt đã khiến chị càng phải "thắt lưng, buộc bụng" hơn để không bị “âm tiền” vào cuối tháng.
Chị Hoa cho biết, rau củ, dầu ăn, thịt cá… mặt hàng nào cũng được điều chỉnh tăng giá, cụ thể: bắp cải tăng từ 7.000 - 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ; giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai 150.000 đồng/kg, thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước… Mặc dù biết khi xăng tăng giá sẽ kéo theo giá cả leo thang, song trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid -19, điều này đang khiến cuộc sống của gia đình chị bấp bênh hơn.
“Ra chợ những ngày này thấy mặt hàng nào cũng tăng giá, từ thịt cá cho đến rau cỏ, mắm muối… trong khi lương của chúng tôi vẫn thế. Kiếm tiền thì ngày càng khó khăn, đi làm bây giờ chỉ mong đủ ăn là mừng”, chị Hoa than thở.
Còn đối với nhiều tiểu thương, dù đã trải qua nhiều biến động, nhưng lần tăng giá xăng này khiến giới kinh doanh "chao đảo”. Điều này khiến cho buôn bán trong thời điểm này chậm hơn, lượng người mua hàng cũng giảm đi nhiều so với bình thường. Một số tiểu thương ở chợ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ:
“Như dầu ăn, bình thường chúng tôi lấy vào là 57.000/lít bây giờ tăng lên 61.000/lít. Giá sữa trước là 320.000/thùng giờ lên giá 340.000/thùng, mặt hàng hoa quả cũng tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với bình thường... Xăng dầu tăng giá khiến mọi thứ tăng lên nhưng người bán chỉ dám tăng ít và tăng dần để còn giữ khách”.
“Xăng tăng từ 22.000 sau lên 26.000 giờ lên 30.000/lít là cao quá. Hàng hóa bán ra giờ chậm hơn trước, bình thường khách hàng mua 10, bây giờ giảm xuống còn 5 nên những người bán hàng không dám lấy nhiều. Tiểu thương và người dân mong muốn giá cả bình ổn để người dân dễ thở hơn”.
Xăng tăng giá tác động không nhỏ đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ. Một số cá nhân hoạt động dịch vụ taxi, xe ôm, xe công nghệ dịp này như “ngồi trên đống lửa” chia sẻ:
“Một ngày thường thu nhập được 150.000 – 200.000 đồng nhưng đấy là khi giá xăng còn thấp, nhưng giờ giá xăng tăng nên thu nhập trừ chi phí chỉ còn từ 120.000-140.000 đồng. Nếu mọi khi thu nhập được khoảng 200.000 đồng có thể mua gạo, thịt, rau nhưng giờ tiền xăng chiếm mất 1/3 nên ăn uống cũng phải giảm đi”.
“Nghề taxi như đi câu, ngày được ngày không, mỗi ngày kiếm được 100.000 – 200.000 đồng nhưng giờ kiếm cũng khó vì ít khách. Trong khi đó giá xăng dầu tăng cao quá khiến chi phí gia tăng và thu nhập còn lại không đáng là bao. Anh em lái xe mong muốn nhà nước ổn định giá xăng, cứ để cao như này người dân chết đói hết”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu tăng cao tác động trực tiếp đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã điều hành giá xăng dầu khá nhịp nhàng, linh hoạt, giảm tác động tăng của giá xăng dầu thế giới đến giá trong nước, nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới.
Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu thời gian tới cứ tiếp tục tăng cao, sẽ không thể cứ mãi giảm thuế, hoặc dựa vào Quỹ Bình ổn giá, bởi quỹ cũng sẽ cạn kiệt và thuế cũng không thể giảm. Do đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần sử dụng các công cụ về bảo hiểm giá, hợp đồng phái sinh trong xăng dầu là cần thiết để có nguồn hàng đúng theo kế hoạch, khi đó sẽ giảm được nguy cơ thiếu hụt xăng dầu trong nước khi nguồn cung và giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Nếu các doanh nghiệp chủ động bảo hiểm giá bằng hợp đồng giao dịch phái sinh thì chắc chắn sẽ phòng ngừa được rủi ro về giá trong khi chúng ta chưa chủ động được 100% nguồn năng lượng. Cùng với đó, khi mà giá thế giới xuống thấp cần xem xét tăng lượng dự trữ lên để đảm bảo được an ninh về năng lượng”, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp ngày 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trên cơ sở đề xuất của liên Bộ Tài chính, Công Thương, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu. Nếu được thông qua, điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ tháng 1/4 tới. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu của nước sẽ thấp hơn các nước xung quanh./.