Chốt phiên cuối tuần trước (15/12) giá vàng trong nước đang nằm trên đà giảm khi được thiết lập ở mức 46,60 – 46,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Ảnh hưởng từ xu hướng giảm vàng thế giới đang trên đà giảm sâu, ngay sau phiên giao dịch đầu tuần này (17/12) giá vàng trong nước liên tục được niêm yết theo chiều giảm. Trong tuần, vàng trong nước chỉ lấy lại mốc 46,75 triệu đồng/lượng lần cuối vào đầu giờ sáng thứ ba (18/12), rồi sau đó trượt dài trên đà giảm giá.
Đến thời điểm hiện tại, vàng trong nước đứng “khiêm tốn” trong khoảng 46,35 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, có những thời điểm giá vàng trong nước đã lùi về gần mức 46,00 triệu đồng/lượng vào 10h00 sáng 21/12, vàng thấp ngưỡng 46,06 – 46,26 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi giá vàng nội địa “lừng khừng” ở ngưỡng giữa 46 – 47 triệu đồng/lượng, trên thị trường thế giới, vàng đã đánh dấu mốc khá quan trọng đối với các nhà phân tích kỹ thuật. Sàn Comex của Mỹ đêm 20/12 chứng kiến sự giảm mạnh của giá vàng khi từ mức 1.700 USD/oz chốt phiên cuối tuần trước, vàng trượt qua 1.650 USD/oz về mức 1.647,20 USD/oz. Ở mức giá này, vàng và kim loại quý mất mốc giá trung bình di động trong vòng 6 tháng qua qua.
Các nhà kinh doanh vàng đều thể hiện sự dè dặt và nghe ngóng diễn biến các cuộc đàm phán về “vách đá tài chính” của Tổng thống Obama. Sức ảnh hưởng của cuộc đàm phán tỏ ra có tác dụng đối với giá vàng thế giới khi vòng đàm phán bế tắc, giá vàng lập tức bị bán mạnh. Lòng tin đầu cơ giá lên sụt giảm trong mắt các nhà đầu tư và việc bán ra là điều dễ hiểu.
Theo các chuyên gia tại MKS Capital khi theo dõi số lượng giao dịch trên thị trường Comex, những phiên giảm giá của vàng thế giới vừa qua được tạo bởi các lực đầu cơ giá xuống, bán khống nhiều hơn là thanh khoản trạng thái. Các lệnh bán trên sàn Comex tăng bất thường, trong khi mức giá giảm mạnh.
Cụ thể, theo các chuyên gia MKS Capital, kể từ phiên giao dịch ngày thứ tư, khối lượng giao dịch là 439,904 hợp đồng và trong cuối tuần trước cũng là 430,988 hợp đồng. Cũng kể từ hôm đó, giá vàng mất tới 29,3 USD/oz đã khiến cho kim loại rơi mạnh.
Một nguyên nhân khác được các nhà phân tích chỉ ra cho sự sụt giảm của giá vàng thế giới trong tuần, đó là công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ giảm xuống mức 0,3% - mức giảm kỉ lục trong vòng 5 tháng qua.
Điều này khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ sớm thu hồi lại các kích thích tiền tệ, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tuần này, FED quyết định duy trì lãi suất siêu thấp cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp về ít nhất 6,5% và lạm phát không quá 2,5%.
Trước đó, FED đã quyết định mở rộng chương trình kích thích kinh tế, mua 45 tỷ USD trái phiếu hàng tháng sau khi chương trình hoán đổi trái phiếu hết hạn vào cuối tháng 12 này. Ngoài ra, Fed cũng duy trì lãi suất gần 0% cho đến khi thị trường lao động cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thất nghiệp xuống 6,5%.
Cũng trong tuần qua, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tung ra các gói kích thích kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế vừa rơi vào suy thoái kỹ thuật. BOJ quyết định tăng quy mô chương trình mua tài sản thêm 10.000 tỷ yên (119 tỷ USD) lên 101.000 tỷ yên. Theo chương trình mới, mỗi năm, BOJ cho vay 15.000 tỷ yên. Tuy nhiên, BOJ quyết định giữ nguyên lãi suất từ 0% -1%. Đây là đợt tăng kích thích thứ 3 của BOJ trong vòng 4 tháng vừa qua.
Mặc dù cùng có xu hướng giảm giá, giá vàng trong nước có tốc độ giảm nhẹ hơn nên khoảng cách giữa hai mức giá được nới rộng ra. Có những thời điểm, giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới hơn 5 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy mức biến động giá vàng trong nước không lớn là bởi sự phát huy tác dụng của cơ chế quản lý và kinh doanh vàng trong nước từ Ngân hàng nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều khả năng quy mô hoạt động của thị trường vàng miếng trong nước bị thu hẹp đến 90%, chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh vàng có quy mô lớn và các ngân hàng mới được phép mua - bán vàng miếng theo Nghị định 24/2012.
Điều này khiến cho những cửa hàng vàng của các hộ tư nhân, với quy mô vốn không lớn, địa bàn kinh doanh hạn hẹp chắc chắn sẽ không được tham gia kinh doanh vàng miếng, mà phải chuyển sang kinh doanh vàng nữ trang.
Đứng trước thực trạng này, ngày 16/12, Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định, trong thời hạn 6 tháng tính từ 10/7/2012, các cơ sở kinh doanh vàng được chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Hiện đã có 36 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước đang xem xét, phê duyệt. Danh sách những đơn vị được cấp phép sẽ công khai./.