Tại hộ chăn nuôi quy mô lớn của gia đình chị Nguyễn Thị H. ở Bình Lục, Hà Nam – nơi từng được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc – mấy trăm con lợn đã được xuất chuồng trong những ngày gần đây.
Theo lời kể của chị H., giá lợn đang lao dốc nếu chị không bán nhanh thì có thể phải chịu thua lỗ nặng. “Lúc trước, giá lợn hơi vượt mức 90.000 đồng/kg nay giá đã giảm 10.000 đồng mỗi kg. Giống tôi mua vào ở mức cao mà giờ giá lợn xuất chuồng xuống thấp thế này nếu không bán “chạy” thì sẽ lỗ mất”, chị H. chia sẻ.
Lứa lợn trước chị H. bán với giá 86.000 đồng/kg, nhưng đợt bán gần nhất cách đây ít hôm, giá lợn hơi chỉ còn hơn 80.000 đồng/kg. Tính ra, hai đợt bán lợn cách nhau chỉ một tuần mà chị thiệt hại mấy chục triệu đồng.
Cũng trong tình trạng tương tự, anh Trần Văn C. – chủ một trang trại chăn nuôi lớn tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam, cho hay hiện trong chuồng của gia đình anh còn mấy trăm con lợn đã đến thời kì xuất chuồng. Anh C. đang cảm thấy tiếc vì nếu bán lợn cách đây ít hôm thì có lãi, nhưng nếu bán ở thời điểm này thì có khi bị lỗ.
“Cách đây vài ngày thương lái đến hỏi mua nhưng tôi thấy giá đang xuống nên chưa muốn bán, nhưng càng chờ giá lên thì lại thất vọng, giờ muốn giữ lợn trong chuồng cũng không được vì lợn đã đủ lớn nên tăng cân chậm, mà ăn lại khỏe, nuôi rất tốn. Giữ lợn trong chuồng ngày nào là thiệt hại ngày đó, giá cả lại lao dốc liên tục. Tới hôm nay, giá lợn hơi mua tại chuồng chỉ còn hơn 80.000 đồng/kg. Tôi phải bán nhanh kẻo thiệt đơn thiệt kép,” anh C. nói.
Sau một thời gian neo ở mức cao, những ngày gần đây, giá thịt lợn trên cả nước có xu hướng giảm mạnh. So với thời điểm cuối tháng 7, giá lợn hơi xuất chuồng giảm khoảng 10.000 đồng/kg. Hôm nay (20/8), giá lợn hơi tại 3 miền dao động trong khoảng từ 80.000 - 87.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung lợn thịt về cơ bản đã tạm ổn, nhờ vậy giá lợn hơi và thịt lợn gần đây tương đối ổn định và có chiều hướng giảm. Giá lợn hơi giảm mạnh là do không còn thiếu hụt nguồn cung sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, các hộ chăn nuôi tái đàn trở lại. Cùng với đó là lượng thịt nhập khẩu về nước cũng khiến giá thịt lợn “hạ nhiệt”.
Mới đây, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đến người bán cuối cùng trực tiếp cho người tiêu dùng đối với mặt hàng lợn giống, lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn trên thị trường.
Đối tượng kiểm tra là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu khác nhau trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng lợn giống, lợn hơi (lợn thịt) và các sản phẩm thịt lợn.
Phương thức kiểm tra bao gồm kiểm tra tại chỗ (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, đối tượng kiểm tra) hoặc yêu cầu có văn bản báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra.
Trước đó, tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm pháp luật (nếu có) trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí lưu thông trong giá bán tăng lên tiến tới hoàn thiện một hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí trong khâu lưu thông về mức hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng./.