Đây cũng chính là lý do khiến Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng chè cũng như xuất khẩu, nhưng tên tuổi vẫn chưa được người tiêu dùng trên thế giới biết đến. 

Nguyên nhân là do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận trước mắt đã sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chè kém chất lượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành chè Việt Nam.

che.jpg

Giá chè xuất khẩu Việt Nam liên tục "cài số lùi" (Ảnh: vietnambranding)

Thêm vào đó, năng lực chế biến của toàn ngành đang gấp hai lần so với khả năng cung cấp nguyên liệu. Vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm lại chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lại thiếu nhạy cảm, chưa bắt kịp nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng trên thế giới. Doanh nghiệp xuất khẩu chè cũng chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới. Nguồn cung tuy dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp còn thiếu sự tuân thủ các hợp đồng trong dài hạn…

Để ngành chè có thể phát triển tốt hơn trong thời gian tới, thương hiệu chè Việt Nam thu hút được nhiều người tiêu dùng thế giới hơn, cơ quan chức năng của nhà nước cần có những quyết sách thật “mạnh tay” đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu chè không tuân thủ các quy định. Đồng thời, cũng cần thiết lập mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa với doanh nghiệp và người trồng chè, chú trọng sản xuất các loại chè đặc sản, chất lượng cao phù hợp với quy mô từng vùng vùng nguyên liệu, từng địa phương, thay vì sản xuất quá nhiều sản phẩm chè chất lượng thấp như hiện nay./.