Báo cáo nghiên cứu về triển vọng thị trường Việt Nam mà HSBC vừa công bố có nhận định: Tín dụng cả năm của hệ thống ngân hàng sẽ chỉ tăng khoảng 10% dù GDP vẫn tăng trưởng tốt. Theo dự báo này, tăng trưởng tín dụng cho năm nay của Việt Nam thấp hơn mức chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra 12-14%. Từ đầu năm đến nay, tín dụng chỉ tăng 3,6% so với cuối năm 2013 và khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước.

xuatkhauvov1_rpwr.jpgTheo HSBC, 7 tháng qua, tăng trưởng của VN chủ yếu nhờ xuất khẩu (Ảnh minh họa:DNSG)

Giải thích nghịch lý GDP vẫn còn tăng tốt dù tăng trưởng tín dụng thấp, HSBC cho rằng ngành sản xuất là một trong những nguyên nhân giúp nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 5% đến 5,5% trong những năm gần đây. Tính từ đầu năm đến tháng 7/2014, xuất khẩu tăng trưởng 14,1%, giúp hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất HSBC (PMI) luôn ở trên mức 50 điểm, từ tháng 12/2013 đến nay, cho thấy sản lượng, đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tăng trưởng khá vững.

Ngoài ra, chỉ số tạo việc làm có tăng trưởng trong thời gian gần đây cho thấy kỳ vọng của các nhà sản xuất về sự hồi phục của thị trường Mỹ và Trung Quốc giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

HSBC cho rằng, sự phục hồi của lực cầu bên ngoài, đặc biệt là trong quý 4/2014 sẽ thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng cao hơn. Dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015, khi các dự án đầu tư FDI mới bắt đầu hoạt động cũng như sự hồi phục của môi trường kinh tế toàn cầu.

Phân tích của HSBC cho thấy áp lực giá sẽ dịu lại khi không có lượng lớn tín dụng được bơm vào nền kinh tế. HSBC không trông đợi tín dụng sẽ tăng mạnh trong hai năm tới khi chính phủ nỗ lực chấm dứt những đầu tư lãng phí đối với những khu vực hoạt động không hiệu quả nhất.

Theo đó, HSBC dự báo rằng, lạm phát, sau khi loại trừ những yếu tố dao động theo mùa khi giá dịch vụ tăng và yếu tố thời tiết ảnh hưởng lên nguồn cung thực phẩm và giá dầu thế giới, cũng sẽ giữ trong khoảng từ 4,5% đến 6,5%./.