Chiều 30/6, Chính phủ tổ chức họp báo công bố những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế trong tháng 4 vừa qua.

ngu_dan_ha_tinh_alsg.jpg
Sự cố môi trường ở miền Trung làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, môi trường, an ninh, chính trị, trật tự an toàn - xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân các huyện ven biển Hà Tĩnh. (Ảnh: Kinhtenongthon)

Đông đảo người dân Hà Tĩnh cho rằng có được kết quả công bố về nguyên nhân cá chết hàng loạt thời gian qua là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành trung ương và chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Với những ngư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp họ sớm khôi phục sản xuất và đảm bảo quyền lợi yên tâm bám biển lâu dài.

Ngư dân, Đặng Thành Vinh, thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh, chia sẻ: “Ba tháng vừa qua, sau khi sự cố biển xảy ra, Formosa đã đứng ra chịu trách nhiệm việc này đã xảy ra, thiệt hại nặng nề với đời sống người dân. Chúng tôi đòi hỏi bên phía Formosa phải đền bù mọi thiệt hại mà họ gây ra trước mắt cũng như lâu dài”.

“Chờ đợi” là tâm lý chung của người dân Hà Tĩnh trong 85 ngày qua.  Chính quyền và các đoàn thể, tổ chức cá nhân đã động viên, chia sẻ, hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn. Trước mắt, ngư dân Hà Tĩnh mong muốn triển khai sớm công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có sự tham gia, giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Đào Văn Tinh, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết đến nay, tâm lý chờ đợi của người dân đã vơi đi phần nào và cần quan tâm xử lý hậu quả trước mắt và lâu dài không chỉ đối với người đi biển, ngư dân mà mối quan hệ rộng lớn xã hội là những người chế biến, tiêu thụ, diêm dân, chế biến nước mắm...

“Formosa phải có trách nhiệm đền bù. Đảng, Nhà nước tiếp tục buộc chủ đầu tư Formosa phải nghiêm chỉnh chấp hành hậu quả gây ra, nhưng đồng thời giải quyết lâu dài để trả lại môi trường kinh tế biển. Tôi nghĩ vấn đề trả lại sinh thái biển là một quá trình lâu dài và phải nghiên cứu cả quá trình đầu tư. Nếu thấy vấn đề chưa hợp lý phải giải quyết. Cho nên qua đây phải rà soát tổng thể toàn bộ về vấn đề trong quá trình đầu tư, giải quyết triệt để, phải làm cả nước, cả khí, chất rắn và tiếng ồn,” ông Tinh nhấn mạnh.

Về lâu dài, người dân Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và chính quyền các cấp Hà Tĩnh cần tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường biển nói chung và giám sát chặt chẽ Công ty Formosa thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam sẽ không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh, nêu ý kiến: “Formosa đã gây ra sự cố môi trường trong thời gian qua là sự cố nghiêm trọng. Thời gian tới rất cần các biện pháp tích cực đảm bảo hiện tượng này không tái diễn. Chính vì vậy, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp phải củng cố xác nhận việc đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, tính  tính đến hậu quả xã hội cũng như hậu quả môi trường trong quá trình sản xuất. Yêu cầu hoàn trả các chi phí gây ra cho môi trường. Trong trường hợp Formosa phải bồi thường thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kinh tế biển của địa phương”.

Như vậy, sau 85 ngày qua, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân bốn tỉnh miền trung vì đã gây ra sự cố môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống , sản xuất, việc làm của người dân và môi trường biển.

Rõ ràng, mong muốn chính đáng của người dân đã được toại nguyện khi các cơ quan chức năng đã làm sáng tỏ nguyên nhân gây cá chết hàng loạt và tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để họ yên tâm vươn khơi trở lại. Người dân cả nước có thể yên tâm tiêu thụ các sản phẩm từ biển, góp phần giúp hoạt động khai thác thủy sản  trở lại bình thường./.