Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có kết quả cuối cùng sau phiên họp 2 ngày 16 và 17/9, với quyết định sẽ giữ nguyên mức lãi suất gần 0% ít nhất cho đến tháng 11/2015, đúng như nhiều dự đoán của giới chuyên gia trước đó. Và thị trường sẽ lại phải thấp thỏm chờ đợi thêm 2 tháng nữa.

Tác động gì đến Việt Nam?

Đánh giá về tác động của chính sách tiền tệ của Mỹ đến Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng tỷ giá sẽ linh hoạt theo biến động của đồng USD, với biên độ +/-2% là hợp lý. Đây được xem là một phản ứng kịp thời nhưng có thể vẫn phải cộng thêm mất giá khoảng 2-3% nữa mới có thể thiết lập được quan hệ cân bằng.

Theo giới phân tích, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá ngày 19/8 đã là “rất mạnh” và NHNN đã lường đón trước những biến động bao gồm cả việc Trung Quốc phá giá đồng NDT và khả năng FED điều chỉnh lãi suất.

Vì thế, “động thái điều chỉnh tỷ giá hôm 19/8 vừa qua là một biện pháp đi trước một bước”. Mới đây, lãnh đạo NHNN lại khẳng định sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2016.

 

nang_cao_nang_suat_hang_hoa_dich_vu_2_ypdx.jpg
FED giữ nguyên lãi suất nhưng Việt Nam vẫn cần một giải pháp căn cơ hơn để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh: KT)
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia trước sự mất giá của đồng NDT và việc giữ nguyên lãi suất của FED thì Việt Nam vẫn cần một giải pháp căn cơ hơn đó là: Nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; tìm thị trường mới; và kêu gọi toàn dân tiêu dùng hàng nội, nhằm đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang có sự sắp xếp lại là cần thiết.

Yếu tố bên trong vẫn là quyết định

Theo tờ The Guadian cho biết, Chủ tịch FED, bà Janet Yellen tuyên bố quyết định của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) về việc duy trì lãi suất cơ bản tại Mỹ ở mức 0 - 0,25% ít nhất cho đến tháng 11 năm nay, khi FED mở lại cuộc họp mới.

Nguyên nhân của quyết định nêu trên, theo người đứng đầu cơ quan FED là do kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng các chỉ số về lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng… vẫn chưa đạt mức dự kiến, nhất là sự cải thiện của thị trường lao động vẫn tạo áp lực lên mức lạm phát kỳ vọng tại Mỹ.

Chủ tịch FED cũng cho rằng, kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, và chính sách lãi suất hiện tại cũng đang hỗ trợ tích cực vào xu hướng này. Vì vậy, Mỹ không cần vội vàng ra quyết định trước cuộc họp vào tháng 11 tới.

Về trần nợ công của chính phủ, trả lời báo giới sau khi công bố quyết định có tính lịch sử tác động đến hàng triệu người Mỹ và nền kinh tế toàn cầu, bà Janet Yellen khẳng định: “Trần nợ của Chính phủ không phải là nguyên nhân dẫn tới việc FED giữ nguyên lãi suất”.

“FED cũng không góp phần vào việc trầm trọng hóa thêm bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ, vì thực tế, chỉ khi tỷ lệ thất nghiệp cao thì bất bình đẳng mới tăng. Còn mục tiêu của FED là đảm bảo lạm phát trung hạn về mức 2%, trong khi vẫn giữ được những động lực cần thiết cho nền kinh tế”.

FED còn cho rằng, tác động từ Trung Quốc là không đáng kể vào quyết định của mình, bởi sự suy giảm trong nền kinh tế hàng đầu châu Á là “không có gì bất ngờ”. Chủ tịch FED cũng nhấn mạnh rằng, những yếu tố nội tại trong lòng nước Mỹ mới là nguyên nhân thực sự cho quyết định trên, dù Mỹ luôn quan tâm tới sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, thực tế lịch sử điều hành của FED đã cho thấy, không phải bất cứ quyết định nào của cơ quan này, dù đã được cân nhắc thận trọng, đều mang lại tác động có lợi cho Mỹ. Điển hình là lần thay đổi lãi suất cơ bản vào tháng 5/1936, khiến kinh tế Mỹ chìm sâu vào Đại khủng hoảng ngay trước thềm Thế chiến II.

Sự phản ứng của dư luận

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers hay Paul Krugman - nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel – trước đó đã khuyến cáo FED nên hoãn tăng lãi suất, và điều đó đã xảy ra.

Nhóm này giải thích, những tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ, nếu không đúng sẽ gây “hoang mang và rối loạn” lên các thị trường mới nổi, khiến các sàn chứng khoán đứng trước khủng hoảng và đẩy Mỹ đến gần nguy cơ suy thoái trở lại.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ (2016), ông Bernie Sanders đã ca ngợi quyết định của FED và cho đó là một tin tốt lành. Ông nói: “Vào thời điểm khi tỷ lệ thất nghiệp thực tế vẫn là hơn 10%, chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể để tạo ra hàng triệu việc làm và nâng lương cho người dân Mỹ. Đây là thời gian cho FED phải hành động để ‘tái tạo’ tầng lớp trung lưu, như cách cơ quan này đã thực hiện những nghiệp vụ mang tính bảo lãnh cho phố Wall cách đây 7 năm”.

Giới chuyên gia còn cho rằng trong bối cảnh “cuộc đua” nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ của nhiều nước gia tăng, trong đó có cả các đồng tiền nằm trong “rổ tiền” toàn cầu và ở các nền kinh tế lớn có vị thế khu vực và quốc tế nên hiện nay chưa phải là thời gian thích hợp cho việc tăng lãi suất của FED.

Yao Yudong - người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính và ngân hàng thuộc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), hồi tháng trước đã đổ lỗi cho FED về những hỗn loạn trên thị trường và cho rằng “Mỹ nên hoãn lại việc tăng lãi suất” đến khi tình tài chính toàn cầu ổn định hơn.

Trước đó, trong giới chuyên gia cũng có ý kiến cho rằng, FED tăng lãi suất vào thời điểm hiện nay, có thể làm cho đồng USD giá cả đang ở mức cao lại càng cao hơn; sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ có thể suy giảm động lực; các chỉ số về việc làm, lạm phát, sức mua, xuất khẩu và tăng trưởng sẽ khó đạt được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, thì dù cho FED quyết định theo xu hướng nào, điều đó cũng sẽ tác động đến thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán, vàng trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ gói gọn trong lòng nước Mỹ.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán đã ghi nhận đợt rung lắc khá mạnh. Chỉ số S&P 500 có lúc đã rơi xuống 1.990 điểm trước khi vọt lên 2.020 điểm. Dow Jones mất 1% trước khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/8. Trong khi đó, giá vàng cũng tăng thêm 17 USD mỗi ounce trên sàn giao dịch New York./.